Các thông số đưa ra cho thấy, khu đất có quy mô 20m x 32m, là “nhà biệt thự” và công trình mới cho phép xây dựng 18 tầng. Hiện nơi này là công trình đang xây dựng tới tầng thứ 8, biển báo ghi là “công trình khách sạn”, đứng tên cá nhân.
Trên đây chỉ là một trong nhiều biệt thự cổ lần lượt biến khỏi khu trung tâm TPHCM. Hai căn biệt thự gần đối diện nhau, số 68 và 65 Phạm Ngọc Thạch, cũng rơi vào tình trạng tương tự, hiện chỉ còn một mảng tường nhỏ có đính họa tiết, hoa văn sót lại đeo lủng lẳng bám vào vách tường của tòa cao ốc bên cạnh, như một dấu tích kiến trúc Sài Gòn xưa. Và chắc có lẽ dăm ba hôm nữa, mảng tường hoa văn trăm tuổi đó sẽ sụp xuống, chồng lên đống xà bần ngổn ngang đã bị đập bỏ trước đó.
Hay việc tháo dỡ biệt thự số 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh gây ồn ào suốt một thời gian cũng thế: tháo dỡ - đình chỉ - tháo dỡ và cũng đã “hoàn tất” vào cuối năm ngoái. Những căn biệt thự góp phần tạo nên hồn phố Sài Gòn xưa, dấu tích còn lại của sự thay đổi trăm năm qua, những câu chuyện “phước phần” của gia tộc quyền quý… trong căn nhà cổ ấy đã vùi vào đống đất đá.
Đã có nhiều căn biệt thự cổ lần lượt tự sụp đổ trong những năm qua? Danh sách về biệt thự cổ trên địa bàn TPHCM đã có thống kê trước đây là 1.271 căn, đã và đang “hao hụt dần”. Một nghiên cứu cách đây chưa lâu cho thấy, trong 361 biệt thự theo phong cách Pháp trên một số tuyến đường thuộc quận 1 và quận 3 được ghi nhận vào năm 1993, khoảng 57% biệt thự đã bị thay đổi hình thức bên ngoài đến mức không thể phục dựng lại trạng thái ban đầu. Số phận may mắn như tòa biệt thự số 110 Võ Văn Tần, cho đến nay cũng chỉ là hiếm hoi - nếu không nói là duy nhất: chủ nhân mới đã thuê các nhà bảo tồn hàng đầu thế giới, kết hợp với các nghệ nhân trong nước đang tiến hành phục hồi từng chi tiết để giữ lại sự nguyên bản cho công trình.
Vì sao việc bảo tồn biệt thự cổ lại khó khăn đến vậy? Đầu tiên, về mặt luật pháp thì đã có quy định, nhưng về giải pháp lại bế tắc, hoặc quá chậm. Cụ thể, theo Điều 79, Luật Nhà ở năm 2014, trường hợp “nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh” thì được ngân sách cấp kinh phí để thực hiện quản lý, bảo tồn; còn các trường hợp khác thì tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương quyết định hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí. Tuy nhiên, cho tới nay TP chưa bố trí ngân sách cho chương trình này. Thứ hai, mãi đến năm 2015, TPHCM mới thành lập Hội đồng phân loại biệt thự, và đến cuối năm ngoái mới ban hành tiêu chí. Thứ ba, mặc dù Nghị định 99 có nêu vi phạm nhưng lại không có chế tài. Tất nhiên, về mặt luật pháp là vậy, nhưng bản chất sâu xa của việc bảo tồn kém cỏi này chính là sự xung đột về lợi ích. Theo nhận xét của một chuyên gia đô thị, diện tích đất của biệt thự cổ trung bình 600m², vuông vắn, nằm ở trung tâm TP, thay vì giữ lại không sinh lợi đáng kể; nếu đập đi, chuyển nhượng để xây cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại thì chủ nhân thu về nhiều trăm tỷ đồng.
Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, để giải quyết bài toán xung đột lợi ích bảo tồn biệt thự cổ là chuyển quyền phát triển bất động sản (TDR), như các nước Trung Quốc, Australia, Mỹ… đã làm. Cụ thể, nếu các cá nhân, tổ chức không thể phát triển bất động sản trên một khu đất để tuân thủ các quy định bảo tồn di sản kiến trúc, thì quyền phát triển bất động sản trên khu đất đó phải được chuyển đổi hoặc chuyển nhượng. Tiếp đó, giá trị tài chính mang lại từ việc chuyển nhượng quyền phát triển bất động sản được dự kiến phải hấp dẫn, đủ để làm hài lòng đối tượng có quyền sử dụng các khu đất di sản đô thị. Nếu phương án này được ghi nhận và chấp thuận, câu chuyện bảo tồn biệt thự cổ sẽ có lối ra, không rơi vào bi kịch như hiện nay.