Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, năm học 2021-2022, ngành giáo dục của Thành phố gặp vô vàn khó khăn, thử thách nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn đã giúp toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 để lại di chứng cho toàn xã hội, ảnh hưởng nhiều mặt đối với đời sống.
Tổng kết năm học vừa qua, chúng ta cần đánh giá chính xác thực trạng giáo dục của Thành phố, để qua đó tìm ra những giải pháp thích hợp, hiệu quả nhất, đưa sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng và bền vững.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo của ngành giáo dục, đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng.
Những kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, giải pháp thực hiện trong năm học 2022-2023 cho thấy ngành giáo dục đã nỗ lực, quyết tâm rất cao, vượt qua thách thức lớn để thực hiện nhiệm vụ kép của ngành, là vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng được đánh giá cao.
Tại học kỳ 1 năm học 2021-2022, với tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không dừng dạy và học - một thử thách chưa từng có, ngành giáo dục Thành phố đã nhanh chóng và chủ động thích ứng, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, vừa ứng phó với dịch bệnh vừa tranh thủ cơ hội để tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, giữ được thành tích qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh khó khăn, kết quả đó càng đáng trân trọng.
Bí thư Thành ủy TPHCM ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành đã đạt được trong năm học vừa qua.
"Dù vậy, chúng ta vẫn phải thẳng thắn thừa nhận những kết quả đã đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, lòng mong mỏi của người dân Thành phố. Mỗi năm trôi qua, ngành giáo dục để lại một số hối tiếc khi chưa phát huy hết tiềm năng, điều kiện, bỏ lỡ thời cơ để tận dụng khắc phục khó khăn", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trăn trở.
Đồng chí xác định, những khó khăn, tồn tại của ngành giáo dục cũng là những khó khăn chung của Thành phố. Đó là áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, trong khi quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng nói chung, quy hoạch phát triển trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân Thành phố. Sự khó khăn về hạ tầng kỹ thuật làm cho ngành giáo dục lúng túng trong việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả.
"Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thể hiện tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. TPHCM luôn nhận thức và hành động nhất quán với quan điểm chỉ đạo đó, xem giáo dục là lĩnh vực hoạt động rất quan trọng, tác động trong mối quan hệ mật thiết với tất cả lĩnh vực trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển Thành phố. Một nền giáo dục thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Để xã hội phát triển toàn diện và bền vững, cần một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả hoạt động" - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên |
Các địa phương cần quan tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ thị của Bộ GD-ĐT về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 với chủ đề năm học là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng chất lượng giáo dục và đào tạo” một cách linh hoạt, sáng tạo, chủ động ứng phó với dịch bệnh và thiên tai.
Song song đó, đồng chí cũng đề nghị các địa phương và ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế để chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, không để bị động bất ngờ.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đối với giáo dục mầm non. Năm học vừa qua, đây là bậc học gặp nhiều trở ngại, khó khăn nhất do trong quá trình thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, học sinh không thể đến trường, cũng không có điều kiện học trực tuyến như học sinh các khối lớn hơn. Nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo đóng cửa. Nhiều giáo viên không có việc làm, phải tự bươn chải để mưu sinh. Nhiều cán bộ, thầy cô giáo không thể bám nghề. Các chế độ hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo chưa thật sự tương xứng. Ngành giáo dục cần tạo điều kiện, cần tham mưu để các bậc cha mẹ học sinh, các cấp lãnh đạo quan tâm, động viên các nguồn lực tư nhân, tổ chức cá nhân có điều kiện xây dựng thêm các trường mẫu giáo, mầm non hoạt động theo đúng quy định và sự hướng dẫn kiểm tra của ngành giáo dục.
Đối với giáo dục phổ thông, đây là bậc học có nhiều vấn đề cần giải quyết cả trước mắt và lâu dài. UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần lưu ý, quan tâm phối hợp với ngành giáo dục nắm chắc nhu cầu học và khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp gồm: công lập, bán công, tư thục, có đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa. Cần xác định rõ các thông tin quá tải trường lớp xảy ra ở đâu, cụ thể tình hình thế nào, đã có hướng giải quyết hay chưa. Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà của chung hệ thống chính trị.
"Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ biên soạn đề thi tốt nghiệp THPT không dựa trên ngữ liệu của bộ sách giáo khoa nào mà chỉ dựa theo chương trình giáo dục khung. Như vậy, Thành phố sẽ có định hướng gì đối với việc này phù hợp đặc thù riêng của Thành phố?". Đồng chí cũng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành giáo dục trong vai trò tham mưu, thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phù hợp tình hình Thành phố. Lịch sử và truyền thống của TPHCM luôn có nhiều sáng tạo, đổi mới, nhưng thời gian gần đây đang có dấu hiệu giảm đi. "Ngành giáo dục nghĩ gì về nhận xét này?", đồng chí khơi gợi.
Ngoài ra, vấn đề học phí đang được xã hội quan tâm. Từ năm 2018, TPHCM căn cứ vào điều kiện thực tế đã có đề xuất miễn giảm học phí bậc THCS nhưng do nhiều lý do chưa thực hiện được. Qua ý kiến của Bộ GD-ĐT, Thành phố sẽ có lộ trình thực hiện hợp lý phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiên, ngoài học phí, ngành giáo dục còn nhiều khoản thu khác. Trước mắt khi chưa có những quy định đầy đủ từ bộ ngành, Sở GD-ĐT TPHCM cần tiếp tục nghiên cứu để tham mưu, có hướng dẫn những quy định cụ thể đối với từng khoản thu, đảm bảo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền của Thành phố để các trường thực hiện vừa đảm bảo tiết kiệm, tận dụng các nguồn lực vừa đúng quy định pháp luật.
Đối với công tác đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 gắn với chương trình giáo dục thường xuyên, củng cố các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cần gắn với việc thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
"Khi xây dựng một xã hội học tập, cần những con người học tập, có kỹ năng tự học, hiểu được các giá trị vì sao phải học, học để làm người có giá trị, học như thế nào chứ không phát động chương trình hành động chung chung, thi đua chung chung và mang lại những kết quả chung chung. Vấn đề căn cốt là làm sao hình thành động cơ, niềm tin và hy vọng học để người dân hành động đúng, học để trở thành người có giá trị, để sẵn sàng lao vào học tập, không miễn cưỡng, không gượng ép, không học để lấy thành tích. Thành phố chúng ta có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập" - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên |
Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền cùng sự tham mưu của ngành giáo dục tháo gỡ khó khăn về đất đai để đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu địa phương, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học.
Vấn đề kế tiếp mà Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu ra, là chăm lo đội ngũ nhà giáo và văn hóa học đường. Những năm qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyển dụng giáo viên. Nguồn tuyển dụng đầu vào hiện nay không còn đòi hỏi yêu cầu hộ khẩu giúp công tác tuyển dụng thuận lợi hơn, tuyển được đội ngũ nhà giáo giỏi và yêu nghề. Thành phố rất trân trọng những nhà giáo, cá nhân đã nỗ lực vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn, thử thách để bám ngành, bám nghề, đóng góp thành tích chung cho ngành giáo dục.
"Tuy nhiên, nỗ lực không thể kéo dài mãi, vượt qua khó khăn trong khoảnh khắc thôi, bởi sức người có hạn. Nếu cứ để các thầy cô giáo bươn chải đời sống thì không thể yên tâm. Câu hỏi được đặt ra là, sứ mệnh được giao cho ngành giáo dục cực kỳ lớn nhưng công tác đảm bảo điều kiện để đội ngũ thực thi sứ mệnh đáp ứng chưa?", đồng chí nêu vấn đề.
Trước hết, việc nâng cao mức lương, thu nhập của nhà giáo là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong khi chờ chính sách chung của Đảng và Nhà nước thì Thành phố tiếp tục nghiên cứu để có thể ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy cô giáo yên tâm đảm bảo cuộc sống, đặc biệt đối với những khu vực còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, toàn ngành cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong ngành giáo dục, bắt kịp giai đoạn hội nhập quốc tế, nâng cao giáo dục toàn diện với trọng tâm là con người. Thành phố thông minh, hiện đại không thể chấp nhận nền giáo dục đi sau, đi chậm.
Ngành giáo dục và đào tạo phải nhận trách nhiệm đi đầu trong việc triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống, triển khai đến từng địa phương, đơn vị trường học, xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp, có nghĩa tình, lòng nhân ái với những con người thông minh, hiện đại, vừa học tập vừa rèn luyện nhân cách, phát triển toàn diện trí, đức, thể, mỹ.
Chúng ta cần nỗ lực để học sinh dù nội thành hay ngoại thành, dù trường công hay trường tư, hộ khẩu thành phố hay nhập cư từ các tỉnh, thành khác đều có điều kiện học tập tốt nhất trên tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề, hiện nay, cả nước đang trong tiến trình cải cách, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, gọi chung là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhưng cụ thể là những vấn đề gì?
Chúng ta đã và đang tập trung nỗ lực làm rất nhiều việc trong thời gian qua, tuy nhiên thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải ý kiến của các nhà giáo, dư luận xã hội về tính trung thực của việc học. Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp tiếp cận, thậm chí phải dũng cảm thay đổi chính mình, từ lãnh đạo quản lý đến thầy cô giáo, từ chỗ dạy học ép buộc thay đổi qua dạy học cởi mở hơn, lắng nghe tiếng nói học sinh, có nhiều sự tương tác hơn giữa thầy và trò. Dạy học trong bối cảnh mới là dạy học khai phóng, đề cao sự tương tác, gợi mở để phát triển năng lực tư duy cho học sinh.
Để thực hiện đổi mới, ngành giáo dục cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ đâu, theo hướng nào để thực hiện một cách trung thực? Bắt đầu tự sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng, nói thật làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chống sự giả dối.
Thời gian tới, Thành phố cần tăng cường sự chủ động trong công tác truyền thông đến từng gia đình, trường học, thôn xóm, ngỏ hẽm, giúp phụ huynh - học sinh có thông tin về việc học của con em mình để qua đó có sự gắn kết, chia sẻ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.