Bà Bùi Thị Quỳnh Vân đã thăm khu vực trung bày sản phẩm đặc trưng của các huyện Mộ Đức, Trà Bồng, Tư Nghĩa,…và các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi.
Trong những sản phẩm của tỉnh Quảng Ngãi đáng chú ý đã có 11 sản phẩm đủ điều kiện trở thành sản phẩm OCOP (chương trình trong dự án Mỗi địa phương một sản phẩm) gồm 2 sản phẩm nấm, 3 sản phẩm tỏi, 1 sản phẩm gạo, 1 sản phẩm bánh tráng, 1 sản phẩm mạch nha và 3 sản phẩm mắm huyện Lý Sơn và Mộ Đức.
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà Bồng. Vùng quế Trà Bồng là 1 trong 4 vùng quế chính của nước ta, Top 10 sản phẩm đặc sản của Quảng Ngãi và 1 trong Top 8 sản phẩm Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á. Các sản phẩm từ quế cũng được trưng bày tại gian hàng lần này.
Ngay sau khi tham quan các gian hàng, tại buổi đối thoại với nông dân tại các huyện, thành của tỉnh Quảng Ngãi, bà Bùi Thị Quỳnh Vân đã lắng nghe, chia sẻ và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của nông dân.
Ông Trương Quang Tri (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) cho biết, việc hỗ trợ giống lúa cho nông dân bị thiệt hại sau bão số 9 hiện vẫn chưa cấp về cho bà con. “Nhiều nơi đã bắt đầu xuống giống cho vụ Đông Xuân nhưng giống cấp vẫn chưa về", ông Tri nói.
Nông dân huyện Nghĩa Hành kiến nghị về việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả …. Nhiều năm nay, huyện Nghĩa Hành đã phát triển trồng cây ăn quả với diện tích hàng trăm hecta. Trong đó 4 loại cây ăn quả được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sầu riêng, chôm chôm, chuối ngự, bưởi da xanh.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ tại nhiều thời điểm gặp khó khăn, ảnh hưởng thu nhập, đời sống người dân, cần có định hướng thị trường tiêu thụ và phân phối sản phẩm, đầu ra mang tính ổn định.
Tình trạng sạt lở đe dọa sự an toàn nhà cửa của người dân vùng ven biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Việc hỗ trợ cho tàu cá đánh bắt xa bờ… cũng được bà con kiến nghị sớm giải quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, việc quảng bá, giới thiệu để mở rộng và tạo sự ổn định của thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của nông dân từ các cấp ngành còn nhiều hạn chế. Trong đó, liên kết “6 nhà” trong phát triển nông sản gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà phân phối chưa chặt chẽ, còn vướng mắc. Ngoài ra, đối với một số địa phương cơ cấu cây trồng và vật nuôi ở nhiều nơi chưa phù hợp…
Đối với vấn đề khai thác hải sản, bà Bùi Thị Quỳnh Vân nêu vấn đề, tỉnh Quảng Ngãi có số lượng phương tiện đánh bắt xa bờ nhiều nhất nhì trong cả nước, nhưng hải sản đánh bắt phần lớn được đưa về các cảng, bến ở tỉnh bạn để bán, tiêu thụ. Như vậy, việc xây dựng, phát triển các cơ sở chế biến của tỉnh cần phải xem xét, đánh giá lại.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi giao cho các cấp, ngành liên quan sớm giải quyết, xây dựng phương án, tham mưu cho tỉnh xử lý, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, phát triển sản xuất.