Cuối tuần qua tại Đắc Lắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông, Lâm Đồng) phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên. Tham dự và chủ trì diễn đàn có lãnh đạo Chính phủ và nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp
BIDV tài trợ vốn cho doanh nghiệp
Đây là diễn đàn đầu tư cấp quốc gia, được tổ chức ngay khi nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian ngắn suy giảm. Với mục đích giới thiệu vị trí, tiềm năng phát triển và chính sách ưu đãi của các tỉnh Tây Nguyên cũng như chính sách của BIDV đối với nhà đầu tư quan tâm đến dự án tại khu vực. Diễn đàn này đồng thời là cơ hội tốt để thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, trong những năm qua ngân hàng luôn dành sự quan tâm cao nhất đến sự phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên thông qua hoạt động của hệ thống 9 chi nhánh, 23 phòng giao dịch và hàng trăm điểm giao dịch ATM, POS trong vùng. Đến nay, dư nợ của BIDV tại địa bàn đạt trên 12.500 tỷ đồng, tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm của khu vực như: đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy điện, phát triển cây công nghiệp dài ngày, chế biến hàng công nghiệp, khai khoáng, du lịch, xuất nhập khẩu…

Khách sạn HAGL Pleiku của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một trong những doanh nghiệp đầu tư mạnh tại Tây Nguyên.
Trong năm 2009, BIDV tiếp tục tài trợ nhiều công trình lớn và trọng điểm trên địa bàn như: Dự án xây dựng kho ngoại quan, dự án vùng phát triển lúa lai 2011 – 2015 tại Đắc Lắc; Dự án khu công nghiệp Tâm Thắng tại Đắc Nông; Các dự án trồng cao su tại Mang Yang, Chư Sê, Chư Pah; Dự án chế biến gỗ, đá Granit, xây dựng của các Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai tại Gia Lai và hàng chục dự án thủy điện lớn nhỏ trên cả 5 tỉnh Tây Nguyên. Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, BIDV cam kết làm đầu mối thu xếp vốn, cùng với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, kêu gọi, tìm kiếm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn.
Hỗ trợ phát triển an sinh xã hội
Được biết, ngoài hoạt động đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, nhiều doanh nghiệp đã cùng cam kết tham gia hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại khu vực này. Trong đó, tập trung vào việc xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo để góp phần thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Cũng tại Diễn đàn, các nhà đầu tư và BIDV đã thỏa thuận về chính sách lãi suất hợp lý, phí dịch vụ cạnh tranh cùng với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng - tài chính - bảo hiểm trọn gói, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Ủy viên HĐQT BIDV chia sẻ, là một nhà đầu tư vốn, BIDV mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn hoàn thiện chính sách mời gọi đầu tư; quy hoạch vùng, ngành kinh tế cụ thể, chi tiết; đơn giản hóa các thủ tục hành chính... để bảo đảm hấp dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất thu hút các nhà đầu tư vào khu vực Tây Nguyên.
Qua Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2009, có thể nói các nhà đầu tư đã cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành, các địa phương trao đổi thẳng thắn để đưa ra nhiều chương trình phối hợp hiệu quả, nhanh chóng triển khai các dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội 5 tỉnh Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.
ANH KHUÊ
Tây Nguyên được áp dụng một số chính sách đặc thù như: hỗ trợ vốn ngân sách trung ương tối đa không quá 70 tỷ đồng cho việc đầu tư khu công nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không quá 6 tỷ đồng một cụm và không quá 70 tỷ đồng cho một tỉnh đến năm 2010… |