
Từ những đống bã thải bốc mùi nồng nặc, chất đầy cống rãnh của các cơ sở sản xuất miến dong trong xã, anh Nguyễn Phi Sinh ở đội 4 xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây đã biến nó thành những hạt phân vi sinh chất lượng, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
- Ông chủ chân đất

Anh Sinh nói, dựa trên kinh nghiệm và ưu điểm của nhiều loại máy chế biến phân vi sinh trên thị trường, chiếc máy chế biến phân vi sinh của anh có khả năng lọc, loại vôi vữa, đinh sắt lẫn trong bã thải làm nguyên liệu… Có máy trong tay, cộng thêm công nhân, những đơn đặt hàng cả ngàn tấn phân vi sinh từ các khắp nơi gửi về.
Chỉ vào hàng đống bao phân vi sinh, NPK... chất cao lên đến nóc kho, anh Sinh nói: “Lô hàng này của một đơn vị trên Phú Thọ, họ đặt mua 3.000 tấn. Còn nhiều đơn hàng nữa nhưng xưởng hoạt động suốt ngày đêm cũng không đủ sản lượng nên mình chẳng dám nhận”.
Mẫu mã bao bì của các loại phân vi sinh do anh sản xuất được trình bày khá đẹp, in rõ ràng giấy phép kinh doanh, tiêu chuẩn đo lường chất lượng mang nhãn hiệu SC999 của Công ty cổ phần Thương mại Tân Trường Sinh. Hỏi chuyện cái tên SC999, anh cười: “SC là viết tắt tên hai vợ chồng mình, Sinh và Châm. Còn 999 là để kỷ niệm năm 1999, khi đó chưa có vốn nên phải thế chấp nhà vay vốn, nhà cửa bị niêm phong vì không trả được nợ ngân hàng”.
Ngay bên xưởng sản xuất, có rất nhiều người đang vun bã thải miến dong thành từng đống. Đó là những nông dân trong vùng được anh Sinh thuê đi nạo vét mương rãnh, thu gom phế thải tại các cơ sở làm miến dong, mạch nha trong xã. Anh Sinh nói: “Làm nghề này sướng nhất là không tốn tiền mua nguyên liệu, cũng chẳng cần cạnh tranh với ai. Chỉ cần có công nghệ, có vốn đầu tư là làm được. Mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm”.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường, mỗi năm xã Dương Liễu thải ra hơn 500.000 tấn chất thải, chưa kể chất thải của hàng ngàn gia súc gia cầm trong xã, khiến nơi đây thành một trong những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Con số đó, theo anh Sinh nếu được chuyển hết thành phân vi sinh sẽ mang lại 300 tỷ VND.
- Không thể và có thể
Hơn mươi năm trước, khi anh Sinh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo phân vi sinh từ bã thải, không ít người mắng: “Đồ điên, thừa hơi”. Mặc kệ những ánh mắt nghi ngờ, mỗi sáng anh cầm xẻng ra múc bùn dưới cống lên, đợi đến chiều, khi bùn khô bớt, anh và ba đứa con lại chất lên xe cải tiến hì hục đẩy về nhà. Hình ảnh người đàn ông gầy gò, lưng áo đẫm mồ hôi, bặm môi kéo xe, theo sau là ba đứa con khiến nhiều người thở dài: “Chả hiểu ăn gì dại thế, đi móc bùn dưới cống đem về nhà”.
Ý tưởng làm phân vi sinh đến từ khi anh đang phục vụ trong quân ngũ. Nhận thấy ở những vũng nước thải nhiều chất hữu cơ, đến cỏ cũng không mọc được, nhưng mỗi khi mưa, nước thải loãng ra thì cây cỏ gần đó cực kỳ xanh tốt. Anh rút ra kết luận khi nước thải hữu cơ bị làm loãng sẽ thành thứ phân bón cực kỳ hiệu quả. Xuất ngũ về làng, chứng kiến cảnh người dân địa phương quanh năm sống cùng mùi hôi thối, ruồi muỗi từ bã dong, sắn khi sản xuất miến, mạch nha nên quyết tâm tìm cách sản xuất phân vi sinh từ những nguyên liệu sẵn có trong làng.
Hết lần này đến lần khác thất bại nhưng anh không nản chí và cũng ngộ ra, với vốn kiến thức mới học hết lớp 7 của mình khó mà làm nên chuyện. Vậy là anh Sinh đạp xe đi các cơ sở sản xuất lớn học hỏi kinh nghiệm làn phân vi sinh. Thế nhưng, họ sản xuất quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại, trong khi anh chẳng có gì ngoài sự tự tin, kiên nghị của một người lính. Suy đi tính lại, anh quyết định tận dụng cách làm phân bón cổ truyền, là ủ cho chất hữu cơ phân hủy…
Có được quy trình đúng, anh mạnh dạn thế chấp căn nhà đang ở để vay 60 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư sản xuất. Nhưng anh lại gặp thất bại do không biết cách tiếp thị sản phẩm. Không tiền trả nợ, nhà bị niêm phong. Vợ con nheo nhóc, cả nhà chui rúc trong căn bếp còn sót lại. Không nản lòng, anh lại tiếp tục đi chào hàng, tư vấn, chấp nhận cho người dân dùng miễn phí phân vi sinh của anh. Ngày này qua ngày khác, cuối cùng sản phẩm của anh đã tạo được chỗ đứng trong lòng nông dân.
Kể về những gì đã qua, anh Sinh trầm giọng: “Làm ăn mới biết hết gian nan, nhất là cảnh mấy đứa con nhỏ ngơ ngác vì nhà bị thu. Nếu không có vợ tôi luôn tin tưởng, động viên, chắc tôi nghĩ quẫn lâu rồi”.
Việt Võ - Ngọc Trân
Nguyễn Phi Sinh đã đoạt giải Nhì Giải thưởng KAWAI Nhật Bản năm 2005; Giải nhất “Ngày Sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới kết hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường (6-2005); Giải ba Giải thưởng của Hội Nông dân Việt Nam. Gần đây nhất, anh đạt cúp Vàng danh hiệu “Vì sự nghiệp Bảo vệ Môi trường Việt Nam”. |