Biển Đông chi phối Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung

Theo Tân Hoa xã, ngày 6-6, Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 8 đã khai mạc ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong bối cảnh hai nước đang có những bất hòa liên quan đến vấn đề biển Đông.Không thể giải quyết đơn phương
Biển Đông chi phối Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung

Theo Tân Hoa xã, ngày 6-6, Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 8 đã khai mạc ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong bối cảnh hai nước đang có những bất hòa liên quan đến vấn đề biển Đông.

Không thể giải quyết đơn phương


Phát biểu trong lễ khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi nỗ lực chung nhằm tìm một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng leo thang tại biển Đông. Ông Kerry nêu rõ, không thể giải quyết vấn đề trên bằng hành động đơn phương mà phải thông qua luật pháp, ngoại giao, thương lượng và bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Trước khi đến Bắc Kinh dự đối thoại, ông Kerry đã tuyên bố, nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông, Washington sẽ coi đó là hành động gây hấn và gây bất ổn. Phản ứng trước tuyên bố của ông Kerry tại lễ khai mạc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết vấn đề biển Đông giữa các nước có liên quan.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung

Cũng tại lễ khai mạc, bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ có chung các lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau, tăng cường liên lạc, hợp tác trong các vấn đề của khu vực, nỗ lực để giải quyết các cuộc xung đột và tránh những đánh giá sai lầm mang tính chiến lược.

Hai bên cũng trao đổi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư và liên tiếp thử tên lửa đạn đạo vào đầu năm nay.

Về kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh việc thực hiện các kế hoạch giảm tình trạng sản xuất dư thừa, đặc biệt là thép và nhôm, gây ảnh hưởng xấu tới các thị trường toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ tuyên bố, Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa về chính sách kinh tế vĩ mô. Bắc Kinh đầu năm nay đã thông báo kế hoạch cắt giảm quy mô các công ty nhà nước sản xuất thép và khai thác than đá. Về tình trạng biến đổi khí hậu, giới chức cấp cao Mỹ - Trung đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác trong vấn đề này. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, hai nước cần khuyến khích các doanh nghiệp vận hành các nhà máy theo hướng ít phát thải khí carbon, thúc đẩy việc sử dụng tài chính xanh, cũng như cần tạo việc làm, đổi mới công nghệ, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Không dễ đồng thuận

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung là hội nghị để hai nước thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm tăng cường quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác thiết thực và giải quyết những bất đồng cùng các vấn đề nhạy cảm. Trong đối thoại lần này, về phía Mỹ, có sự tham dự của Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cùng nhiều quan chức cấp cao. Phía Trung Quốc có Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Phó Thủ tướng Uông Dương… Diễn ra song song với Đối thoại là cuộc tham vấn cấp cao Trung - Mỹ về giao lưu nhân dân (CPE) lần thứ 7 do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông và Ngoại trưởng John Kerry đồng chủ trì.

Theo nhận định của giới phân tích phương Tây, đối thoại lần này sẽ không giải quyết được tận gốc nhiều vấn đề mà hai bên đang gặp phải do có các nhân tố có thể gây tác động như Mỹ sắp có sự thay đổi tổng thống; vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; ở Đài Loan có sự thay đổi đảng cầm quyền. Những nhân tố này buộc hai bên phải tính kỹ thời điểm có thể nhượng bộ lẫn nhau. Cũng chính vì thế mà lần đối thoại chiến lược và kinh tế này không dễ dàng thành công đối với Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, đối thoại lần này lại diễn ra chỉ ngay sau khi vừa kết thúc Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực. Tại diễn đàn này, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích nhau trong vấn đề biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hối thúc Bắc Kinh ngừng tự cô lập và tham gia vào một mạng lưới an ninh châu Á.

Nguồn tin Hải quân Trung Quốc tiết lộ, Bắc Kinh đang giảm thiểu các hành động thù địch nhằm vào Manila, do trong tháng này Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Hay dự kiến đưa ra quyết định về vụ kiện của Philippines đối với “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc tại biển Đông.

Đài Loan phản đối ADIZ do Trung Quốc tự lập trên biển Đông

Ngày 6-6, theo Reuters, trong một phiên họp của cơ quan lập pháp Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan, người đứng đầu Cơ quan phòng vệ lãnh thổ Đài Loan tuyên bố hòn đảo này sẽ không công nhận bất cứ Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào do Trung Quốc tự lập trên biển Đông. “Lập trường duy nhất của chúng tôi là không giải quyết vấn đề bằng hành động đơn phương mà nên thông qua thượng tôn pháp luật, ngoại giao, đàm phán. Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia tìm giải pháp ngoại giao dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc thượng tôn pháp luật”, ông Phùng Thế Khoan nói. Trung Quốc hiện không khẳng định cũng như không phủ định việc nước này có kế hoạch thiết lập ADIZ trên biển Đông.


THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục