Biến động tỷ giá chỉ là tâm lý?

(SGGP).- Từ tuần trước, tỷ giá USD đã liên tục “nhảy múa”, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải liên tục điều chỉnh tăng trên biểu giá niêm yết. Đáng lưu ý là trong ngày 16-3, một số NHTM đã điều chỉnh tăng hơn 100 đồng/USD, ấn định tỷ giá cao nhất ở mức 21.580 đồng/USD. Trong ngày 17-3, tỷ giá USD đã được các NHTM điều chỉnh giảm ở mức 20 - 80 đồng/USD sau khi nhiều ngân hàng thiết lập giá USD ở mức cao hơn 21.550 đồng/USD trong ngày hôm trước.

Mặc dù tỷ giá trong ngày 17-3 đã “hạ nhiệt” nhưng có thể thấy, đây là đợt biến động tỷ giá lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, sau đợt điều chỉnh tăng 1% vào ngày 7-1 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông thường, sau các đợt biến động tỷ giá, NHNN đều nhanh chóng đưa ra những thông điệp để định hướng thị trường. Tuy nhiên lần này, đến cuối giờ chiều ngày 17-3, NHNN vẫn giữ thái độ im lặng trước diễn biến của thị trường này. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ NHNN vẫn giữ động thái này bởi lẽ, mặc dù biến động nhưng tỷ giá vẫn trong biên độ cho phép, chưa vượt quá ngưỡng ở mức 21.673 đồng/USD từ biên độ +/-1% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Chỉ khi tỷ giá chạm mức này thì NHNN mới phải can thiệp vào.

Theo nhận định của một vị lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, biến động tỷ giá vừa qua có tính chất tâm lý là chủ yếu vì các cân đối tài khoản vãng lai và cân đối xuất - nhập khẩu vẫn ổn định.

Một chuyên gia kinh tế Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại luôn được duy trì thặng dư đã góp phần làm cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên mức kỷ lục khoảng 36 tỷ USD trong năm 2014. Chính vì thế, NHNN có đủ nguồn lực để duy trì và ổn định tỷ giá trong dài hạn.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục