Tốc độ dịch chuyển việc làm của người lao động giữa các doanh nghiệp đang diễn ra cao hơn so với những tháng đầu năm 2014 (20% so với 15%). Lao động dịch chuyển nhiều giữa các ngành để tìm việc. Nhiều ngành nghề đang chịu tác động mạnh và có biến động việc làm.
Chịu tác động mạnh, ngành xây dựng buộc phải giảm dần lao động cũng như lương và các chế độ khác. Về nhu cầu tuyển dụng, theo Sở LĐTB-XH TPHCM, ngành này giảm gần 50% so với năm trước. Tỷ lệ người lao động ngành kiến trúc - xây dựng thất nghiệp khá cao; số chỗ việc làm trống chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tìm việc làm của người lao động có trình độ ở ngành này.
Đặc biệt, trong ngành xây dựng, lao động thời vụ chiếm tỷ lệ rất cao (trên 80%). Họ không có hợp đồng lao động, không được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, công việc không ổn định, thường xuyên di chuyển theo công trình. Điều kiện sống tạm bợ tại các khu nhà trọ hoặc lán trại tại công trình.
Ứng phó với biến động, bà Phạm Thị Bảo Hà, Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB-XH) đánh giá, người lao động ở lĩnh vực xây dựng phải tiếp tục đi tìm việc làm tương tự và chấp nhận di chuyển tới các địa bàn xa với những công việc kém chất lượng. Họ cũng tìm việc làm thêm hoặc cố gắng cầm cự, sử dụng nguồn tiền tiết kiệm hay nhận hỗ trợ từ gia đình để đợi cơ hội tốt hơn.
Nhóm ngành tài chính - ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng giảm gần 20%, nhu cầu tuyển dụng người có trình độ chỉ bằng 50% nhu cầu tìm việc của người lao động. Trong đó, có đến 60% nhu cầu tuyển dụng là các vị trí thực tập, cộng tác còn tuyển dụng nhân viên chính thức chỉ chiếm khoảng 40%.
Trong ngành nông nghiệp, theo bà Phạm Thị Bảo Hà, khó khăn càng trầm trọng hơn khi đang xuất hiện thêm những vấn đề mới. Lao động trẻ không còn mặn mà với nông nghiệp, chỉ quay về khi không còn việc làm khác hoặc coi nông nghiệp là việc làm tạm thời trong khi chờ việc. Nhóm lao động gắn bó với ruộng đồng phần đông là những người trên 45 tuổi do không phải mua gạo, thức ăn giá cao. Với họ, gắn với nông nghiệp là một thói quen và không biết làm gì khác!
Tại TPHCM, chủ yếu là lao động nhập cư có trình độ thấp nên trong tình hình biến động việc làm, theo thạc sĩ Hoàng Văn Khải (Học viện Chính trị khu vực IV), khả năng chuyển đổi nghề hoặc tự tạo việc làm cũng hạn chế và họ thường phải chấp nhận những việc làm đơn giản, mang tính thời vụ, thu nhập thấp và không ổn định.
Trước xu hướng biến động việc làm, giảm lao động khu vực chính thức, tăng lao động phi chính thức, thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) đề nghị cần có giải pháp nâng cao vị thế của người lao động khu vực phi chính thức. Khi hoạch định các chính sách KT-XH, cần xem xét đến lao động phi chính thức như một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân. Các chương trình việc làm cho người lao động cần có hình thức bồi dưỡng nghề nghiệp đặc thù cho lao động khu vực này để hướng đến chính thức hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động.
Các sở, ngành cần hình thành hệ thống thông tin về lao động khu vực phi chính thức trong hệ thống thông tin chung về thị trường lao động. Cũng như có chính sách chăm lo cho người lao động khu vực phi chính thức về nhà ở, chế độ hỗ trợ khi thất nghiệp; bảo đảm giáo dục cơ bản đối với con em của người lao động, tạo sự công bằng cho người lao động, như khu vực các khu vực kinh tế khác.
MẠNH HÒA