Có hai phương pháp cứu người bị nạn ra khỏi mạch điện:
- Trường hợp cắt được mạch điện: Nếu có thể, tốt nhất cắt điện bằng những thiết bị đóng cắt gần nhất như công tắc, cầu dao, máy cắt. Khi cắt điện phải chú ý nếu mạch điện đi vào đèn phải nhanh chóng chuẩn bị ngay ánh sáng khác để thay thế. Còn nếu người bị nạn ở trên cao phải chuẩn bị dụng cụ hứng đỡ khi người đó rơi xuống. Có thể dùng búa rìa cán gỗ… để chặt dây điện.
- Trường hợp không cắt được mạch điện: Trong trường hợp này phải phân biệt được nạn nhân bị tai nạn do điện áp thấp hay cao áp. Nếu điện áp hạ, người cứu phải được cách điện thật tốt như đứng trên bàn, ghế gỗ khô, đi dép cao su hoặc đi ủng, mang găng tay cách điện… để kéo người bị nạn ra khỏi lưới điện hoặc dùng cây gỗ gạt dây ra khỏi người bị nạn.
Tuyệt đối không được nắm tay hoặc chạm vào người bị nạn mà không trang bị an toàn. Nếu điện áp cao, tốt nhất người cứu phải có ủng và găng tay cao su hoặc sào cách điện để gạt đẩy người bị nạn ra khỏi lưới điện. Trường hợp không có trang bị an toàn, người cứu có thể dùng dây nhôm hoặc dây đồng ném lên đường dây làm ngắt mạch lưới điện để cứu người bị nạn.
Sau khi đưa được người bị điện giật xuống, phải áp dụng một số phương pháp cứu chữa ngay. Cụ thể nếu người bị nạn chưa mất tri giác còn thở yếu thì cần đặt người bị nạn ở chỗ thoáng khí, yên tĩnh và nhanh chóng gọi bác sĩ hoặc chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Trường hợp người bị điện giật đã tắt thở, tim ngừng đập, toàn thân co giật thì đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí, bằng phẳng, nới rộng quần áo và thắt lưng, moi miệng để lấy đờm và nhanh chóng làm hô hấp nhân tạo hay hà hơi thổi ngạt kết hợp với ấn tim (xoa bóp tim) ngoài lồng ngực cho đến khi có bác sĩ đến cho ý kiến quyết định mới thôi.
MINH KHÔI