(SGGP-ĐTTC).- Tồn tại cơ chế trần lãi suất đã tạo ra tình trạng 2 giá khi vay vốn. Tình trạng thu phí cho vay diễn ra phổ biến ở các NHTM mặc dù NHNN nghiêm cấm. Điều này không chỉ khiến khách hàng than trời mà các ngân hàng cũng đau đầu về việc hạch toán các khoản thu ngoài quy định.
- Tìm cửa hợp thức hóa
Anh Lê Hồng Quân, ngụ ở quận 8 TPHCM, cho biết khi anh hỏi vay vốn để sản xuất kinh doanh, ngân hàng thông báo lãi suất 1,5%/tháng (18%/năm), trong đó lãi 1%/năm và 0,5%/năm là phí quản lý tài sản. Anh qua nhiều ngân hàng khác, lãi suất cho vay đều vượt trần 12%/năm theo quy định của NHNN. Khoản này được núp bóng dưới nhiều loại phí khác nhau, như phí quản lý tài sản, phí thu xếp vốn, phí tư vấn tài chính... Tùy vào trường hợp cụ thể và tài sản thế chấp vay vốn, ngân hàng sẽ có mức phí khác nhau, dao động từ 3-6%/năm, thậm chí có ngân hàng thu 6-8%/năm.
Đáng lo ngại là việc phải trả thêm phí chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp đang khát vốn cuối năm. Khoản trả thêm này dù dưới danh nghĩa nào cũng được doanh nghiệp hạch toán vào chi phí, đưa vào giá bán sản phẩm - dịch vụ và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Trong khi đó, các ngân hàng cũng đang gặp khó trong việc hạch toán các khoản thu thêm này trong bối cảnh NHNN ráo riết thanh tra việc thu phí ở các NHTM.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết với các phí thẩm định, phí quản lý tài sản... ngân hàng phải thông qua công ty con của mình thực hiện và thu chính thức trên hợp đồng vay vốn. Còn những khoản thu phí khác rất khó lách, chỉ có thể thỏa thuận với khách hàng hợp thức hóa qua thu phí dịch vụ giao dịch với ngân hàng. Chẳng hạn, trước đây phí giải ngân bằng tiền mặt được ngân hàng hạch toán vào loại phí hợp lý, nhưng hiện nay các ngân hàng đều tính vào phí thu hộ, chuyển tiền, thanh toán giữa khách hàng với các đối tác khác...
Theo một chuyên gia, hiện nay các NHTM đang “treo” hàng trăm tỷ đồng các khoản thu từ phí do chưa tìm được cách lách trong hạch toán. Hầu hết các NHTM đều cho biết trong bối cảnh nguồn vốn huy động hạn hẹp, họ chỉ ưu tiên tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp có sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng nhằm giúp ngân hàng dễ dàng hợp thức hóa các khoản phí cho vay vào phí dịch vụ mà không bị NHNN “bắt giò”.
Có nên áp trần lãi suất ngoại tệ?
Tuần qua, trên thị trường tiền tệ râm ran thông tin NHNN đang trình Chính phủ áp dụng trần lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ với các NHTM với mức trần khá thấp 0,5-1%/năm. Nếu điều này được áp dụng sẽ ngăn chặn được cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi USD ở các ngân hàng đang có dấu hiệu nóng lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ với lãi suất không quá cao, giúp tiết kiệm chi phí vay vốn thay vì vay lãi suất tiền đồng lãi suất cộng thêm phí lên đến 17-18%/năm.
Có ý kiến cho rằng nếu áp trần lãi suất huy động ngoại tệ sẽ triệt tiêu tâm lý găm giữ ngoại tệ ở người dân và doanh nghiệp, buộc khách hàng phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, tạo điều kiện ổn thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ, bởi mặt bằng lãi suất ngoại tệ còn thấp, chỉ 4-5%/năm. Hơn nữa, lãi suất vay USD liên ngân hàng khá thấp, chỉ dao động 2-2,5%/năm, tình trạng thanh khoản USD giữa các ngân hàng không quá căng thẳng.
Nếu áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ sẽ vô tình ngăn cản dòng ngoại tệ ở nước ngoài chuyển về, nhất là dòng kiều hối cuối năm.
Hơn nữa, mặc dù lãi suất cho vay USD khá thấp so với lãi suất cho vay tiền đồng nhưng không phải khách hàng nào cũng đủ điều kiện và thuộc đối tượng được vay USD. Do vậy nhu cầu vay USD tuy có tăng so với năm 2009 nhưng chưa phải là mức cấp thiết để áp dụng biện pháp hành chính.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nếu NHNN không sớm ban hành một biểu phí trong cho vay hợp lý hoặc sớm bỏ cơ chế trần lãi suất, tình trạng lách luật để thu phí ở các NHTM sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều chiêu thức khác nhau. Biện pháp hành chính chỉ có thể áp dụng trong một thời điểm đặc biệt cần bình ổn thị trường. Còn khi thị trường tiền tệ diễn biến theo đúng quy luật nền kinh tế, việc áp dụng biện pháp hành chính sẽ gây tác dụng phụ, làm méo mó thị trường.
DỊU NGÂN