Các chỉ đạo về giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó có không xả rác, đã được thể hiện qua nhiều chủ trương, chương trình hành động trong nhiều năm qua, đã có những kết quả tích cực nhất định, nhưng sau đó đều bộc lộ sự thiếu bền vững nên không tạo được chuyển biến căn cơ về ý thức của người dân. Hoạt động chỉ đạo, tổ chức thực hiện ít nhiều mang tính phong trào, thiếu tính thường xuyên và ổn định. Các giải pháp chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Các biện pháp chế tài hành vi xả rác còn thiếu và việc thực hiện trên thực tế còn hạn chế. Các quy ước cộng đồng có đề cập vấn đề vệ sinh môi trường nhưng chưa đề ra được giải pháp cụ thể để hạn chế vi phạm và nhiều nơi không được thực hiện đầy đủ nên không có tác động sâu sắc đến ý thức và chuyển biến thành hành vi tích cực của mỗi cá nhân...
Để cuộc vận động không xả rác lần này thực sự có hiệu quả và chuyển biến rõ nét trên thực tế, cần khắc phục triệt để các hạn chế nêu trên. Trong đó, vấn đề cốt lõi là làm sao tạo được sự thay đổi sâu sắc về nhận thức của người dân, để hình thành ý thức tích cực, từ đó biến thành hành động cụ thể. Phải thực hiện công tác tuyên truyền đồng bộ và rộng rãi, phối hợp nhiều hình thức, nhiều phương tiện. Trong đó, chú ý các hình thức trực quan sinh động và tác động mạnh mẽ đến trẻ em để chính trẻ em trở thành nhân tố kích thích, thúc đẩy hành động tích cực của người lớn. Phải tạo thành một phong trào rộng khắp nói về vấn đề này, kể cả trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trong đó nêu các giải pháp thiết thực, các cách làm hay, đồng thời phê phán các biểu hiện chưa tích cực, các hành vi chưa đẹp… Hoạt động tuyên truyền phải liên tục và từng lúc có điểm nhấn.
Về pháp lý, cần rà soát lại các quy định hiện hành về xử lý hành vi xả rác, những quy định nào phù hợp thì phát huy, quy định nào lạc hậu, không hợp lý thì nên thay thế hoặc kiến nghị thay thế. Thực hiện việc động viên nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhân viên vệ sinh gắn với việc tăng thu nhập cho đội ngũ này. Cần xây dựng lực lượng chuyên trách về xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường để ghi nhận và xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường, với hành lang pháp lý, các phương tiện, thiết bị cần thiết. Ở các địa phương, có thể xây dựng các đội tình nguyện viên để làm công tác tuyên truyền, vận động người dân, định kỳ đi dọn vệ sinh trên địa bàn.
2 năm thực hiện cuộc vận động này có thể coi là một bước đệm để sau đó việc không xả rác phải trở thành ý thức thường trực và hành động thường xuyên. Nhưng trong 2 năm này, các hoạt động liên quan đến cuộc vận động phải luôn trong tình trạng cao điểm, chứ không được thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “ném đá ao bèo”.