Trên thế giới hiện có ba hãng kinh doanh dầu khí lớn nhất là ExxonMobil, Shell và BP. Trong đó, logo hình “con sò” của Shell đã khá thân thuộc với mọi người tiêu dùng. Và nhắc đến Shell, người ta lại liên tưởng ngay đến một trong những tập đoàn khai thác dầu khí hùng mạnh.
Shell là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Hiện nay, Shell đang hoạt động tại rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước đang phát triển.
Tập đoàn này có tên đầy đủ là Royal Dutch Shell, được thành lập năm 1907 bởi sự sáp nhập của Công ty Dầu Hoàng Gia Hà Lan (Royal Dutch Petroleum Company) và Công ty Vận tải - Thương mại Shell (Shell Transport and Trading Company) của Anh.
Việc sáp nhập này nhằm tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu với Công ty Standard Oil của vua dầu lửa Mỹ - Rockefeller. Một vài số liệu năm 2008 cho thấy tầm cỡ của Shell: doanh số 458,361 tỷ USD, lợi nhuận 26.277 tỷ USD, tổng tài sản 282.401 tỷ USD. Đến tháng 3 năm nay, số nhân viên toàn cầu của Shell là 102.000 người.

Lãnh đạo hãng Shell trong một buổi khai trương chi nhánh.
Shell là một trong những tập đoàn lớn quốc tế đầu tiên đến Việt Nam trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, quan tâm tới việc mở rộng chiến lược kinh doanh và đầu tư lâu dài tại đây. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa nên nhu cầu nhập khẩu về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ cao cấp từ những tập đoàn lớn như Shell là không nhỏ.
Các sản phẩm mà Shell có thế mạnh như nhựa đường, dầu bôi trơn, chất chống thấm, khí đốt… được cho là khá phù hợp với thị trường Việt Nam. Ở đây, tập đoàn đã đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nhựa đường, dầu bôi trơn, chất chống thấm và khí đốt.
Cũng cần nhắc lại, thế giới đã nhiều lần phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng năng lượng, và khắp nơi, mọi quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm những nguồn năng lượng khác có thể thay thế dầu mỏ, vốn không phải là vô hạn. Shell cũng vậy. Tập đoàn đang tích cực thăm dò khai thác thêm dầu khí ở Mỹ, nơi trữ lượng dầu còn rất lớn. Theo ước tính của các chuyên gia, tại vùng lòng chảo thuộc ba bang Colorado, Utah và Wyoming của Mỹ đang tồn tại các dãy núi đá phiến sét chứa trữ lượng khoảng 800 tỷ thùng dầu, cao gấp 3 lần trữ lượng dầu đã phát hiện ở Arập Xêút – nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới hiện nay.

Một máy bơm xăng mang nhãn hiệu Shell.
Dự đoán, trữ lượng dầu khổng lồ đang nằm dưới lòng đất này đủ dùng cho nước Mỹ trong hơn 400 năm, mặc dù chi phí và công nghệ để khai thác nguồn dầu này rất tốn kém và phức tạp. Các nỗ lực nghiên cứu, khai thác nguồn dầu từ đá phiến sét đã được Chính phủ Mỹ bắt đầu từ nhiều chục năm qua, tiêu tốn hàng tỷ USD và liên tục thất bại.
Thế nhưng, với chủ trương tìm cách giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu lửa từ bên ngoài, tháng 11-2006, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush đã quyết định mở cửa cho phép tiến hành thăm dò, nghiên cứu quy mô nhỏ tại 5 khu đất với tổng diện tích khoảng 160 ha thuộc vùng lòng chảo Piceance Creek Basin, bang Colorado.
Tham gia dự án nghiên cứu chung này có hai tập đoàn dầu khí lớn là Shell, Chevron và một Công ty EGL của bang Texas. Shell dự kiến sẽ khoan các mũi thăm dò sâu khoảng 700m vào các núi đá dầu, sau đó sử dụng các lò nung để nấu chảy các phiến đá này trong thời gian 2-3 năm. Công ty EGL thì đảm trách việc nghiên cứu lắp các hệ thống đường ống phun hơi và dẫn dầu dưới đáy núi đá dầu, trong khi hãng Chevron phụ trách khâu phun khí CO2 và các dung dịch khí khác tạo ra phản ứng hóa học đẩy dầu ra.
Do còn nhiều khó khăn, các nhà chuyên môn dự báo ít nhất phải tới năm 2020 thì mới hy vọng có giọt dầu đầu tiên được khai thác từ các phiến đá dầu và cần hàng tỷ USD tài trợ của chính phủ. Nguồn dầu từ đá phiến sét là niềm hy vọng lớn nhất của nước Mỹ vì cho tới nay, nó được xác định là nguồn dầu có trữ lượng lớn nhất đã được phát hiện ở Mỹ. Nếu thành công, dự kiến mỗi ngày có thể khai thác tới 20 triệu thùng.
Thụy Nguyễn tổng hợp