
(SGGPO).- Khoảng 2 giờ 30 phút ngày 2-1, tại thôn Phú Mỹ 1 thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã xảy ra một vụ cháy lớn làm thiêu rụi 7 ngôi nhà.
Theo Công an tỉnh Bình Định, ngọn lửa xuất phát từ nhà của bà Phạm Thị Mai nhưng do mọi người ngủ say nên khi phát hiện được thì ngọn lửa đã cháy lớn và lan sang 7 hộ lân cận là Võ Thành Nhơn, Bùi Sỹ Long, Phạm Thị Thu Tâm, Phan Thị Rẫy, Nguyễn Đại Cẩn, Cao Hữu Bình, Nguyễn Đại Thành. Kèm theo lửa cháy là những tiếng nổ bình gas dùng để nấu ăn trong các gia đình.

Công an tỉnh Bình Định đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Bình Định đã huy động 6 xe chữa cháy đến hiện trường để dập tắt đám cháy này. Phải mất hơn 1 giờ đám cháy mới được dập tắt. Ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn 7 căn nhà, 2 căn nhà gần đó cũng bị cháy một nửa. Rất may, 30 người sống trong những căn nhà này đã kịp thoát ra ngoài.
Hiện vẫn chưa thống kê được số tài sản thiệt hại. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Thoáng chốc trắng tay!
Nằm vật vã ngay sát lề đường, chị Phạm Thị Minh Châu như người mất hồn, hết khóc rồi lại nhìn thẫn thờ về phía ngôi nhà bị cháy. Nhìn chị, người xa lạ qua đường cũng nán lại nói vài câu an ủi.
Nước mắt chảy dài, chị Tâm kể lại: “Khoảng 2 giờ sáng, nghe ồn ào, tôi giật mình tỉnh dậy thì thấy lửa đã cháy trong nhà. Tôi chỉ biết hô to để mấy người trong nhà chạy ra ngoài. Bây giờ thì mỗi người chỉ còn độc một bộ đồ trên người. Người lớn thì sao cũng sống được, chỉ tội cho 2 đứa nhỏ còn đang học mẫu giáo không biết sẽ ra sao”.
Nhà chị Châu có 5 người, chồng làm bảo vệ cho Công ty Đá Viễn Đông, chị và đứa con gái lớn (vừa nghỉ học) bán quán cơm để kiếm sống. Tằn tiện bao năm cũng chỉ đủ để dựng nên căn nhà gỗ làm nơi tá túc cho cả nhà. Thấy mẹ ngồi khóc, đứa con gái vừa tròn 15 tuổi của chị Châu cũng chỉ biết ôm mẹ rồi khóc theo.
Đã hơn 60 tuổi, cụ Trương Thị Oanh lại phải chịu cảnh không nhà, trắng tay. Trong căn nhà vừa bị cháy của cụ có đến 3 hộ (12 khẩu) sinh sống, bây giờ phải “di tản” khắp nơi. Ngày thường cụ Oanh làm nghề bưng thúng bán dạo nước, thuốc,... khắp ngã ba cầu Bà Di, cuộc sống vốn đã khó khăn bây giờ càng bế tắc hơn.
Khi đám cháy vừa được dập tắt, xót của, cụ Oanh dùng tay đào bới những miếng tôn cũ nham nhở, tìm kiếm những tài sản còn sót lại. Nhưng rồi cụ cũng phải thất vọng vì tất cả chỉ còn lại là một đống tro tàn. Con cái đi học ở xa, chỉ còn hai vợ chồng chị Trần Thị Vân làm nghề buôn lốp xe, nương tựa nhau mà sống. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của hai vợ chồng trong nhiều năm bỗng chốc bị thiêu rụi, giờ chỉ còn lại những miếng tôn bị cháy sém.
Chị Vân kể lại: “Lúc 2 giờ sáng, nghe có người gõ cửa, tôi tỉnh dậy thì đống lốp xe đã cháy cả rồi. Chồng tôi nhảy bổ vào đám lửa, lôi được một chiếc lốp thì mọi người đã can ngăn. Đống lốp cháy cả rồi thì vợ chồng tôi cũng chẳng biết đường nào để sống. Mà có riêng gì nhà chúng tôi, tất cả những người dân sống ở đây đều làm nghề buôn bán nhỏ, bây giờ cháy hết hàng hóa thì cũng chẳng còn được gì”.
Trước hoàn cảnh khó khăn của hàng xóm, anh Nguyễn Công Thành đã hỗ trợ cho mỗi nhà 500.000 đồng để “đi chợ”. Theo anh Thành, trước những khó khăn của láng giếng thì những ai kha khá nên giúp đỡ nhau để sống qua ngày.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng Công an xã Phước Lộc, cho biết: “Vụ cháy này đã khiến 30 người phải chịu cảnh trắng tay. Hầu hết người dân ở đây (7 hộ bị cháy nhà) đều làm nghề buôn bán nên bây giờ không còn tài sản để tái thiết cuộc sống.
Để giúp những hộ này thoát khỏi cái đói trước mắt, UBND xã đã hỗ trợ mỗi người 15kg gạo và 500.000 đồng/hộ đối với 7 hộ có nhà bị cháy hoàn toàn. Nhưng đấy chỉ là “muối bỏ bể” vì chúng tôi không còn kinh phí nào khác. Mong rằng Nhà nước và các tổ chức đoàn thể sớm hỗ trợ để họ vượt qua cơn hoạn nạn này”.
HOÀNG TRỌNG