Bình Định tháo gỡ nghịch lý "có tiền không tiêu được"

Một xã miền núi 285 hộ nhưng có đến 265 hộ nghèo, gần 10 năm vẫn không thoát nghèo được do đâu? Cần làm gì để người dân thoát nghèo, giàu lên trên chính mảnh đất quê hương? Làm cách nào để giải ngân vốn đầu tư công nhanh, chắc, bền vững và chất lượng tốt?… là những vấn đề được đưa ra phân tích tại phiên họp thứ 6 về báo cáo, giải trình vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định.

Tránh tư duy “muốn tiêu cho hết tiền”

Tại cuộc họp, các sở ban ngành tỉnh trình bày báo cáo, giải trình về kết quả giải ngân nguồn vốn. Nhiều khó khăn, vướng mắc được nêu lên khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công do HĐND tỉnh giao và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh, cụ thể: vướng thể chế, chính sách; tổ chức thực hiện dự án; năng lực cán bộ yếu; vướng quy hoạch; phân bổ vốn từ Trung ương chậm…

Các đại diện, lãnh đạo sở ban ngành giải trình, báo cáo giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Các đại diện, lãnh đạo sở ban ngành giải trình, báo cáo giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo Sở KH-ĐT, tổng kế hoạch vốn năm 2022 Chính phủ giao Bình Định là trên 9.293 tỷ đồng, trong đó vốn kéo dài từ 2021 trên 358 tỷ đồng, vốn 2022 là trên 8.935 tỷ đồng. Trong đó, vốn do HĐND tỉnh giao là gần 11.500 tỷ đồng. Đối với giải ngân vốn do Chính phủ giao, đến hết niên độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, giá trị giải ngân tỉnh là trên 10.648 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 115%. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn do HĐND tỉnh giao thì hiện mới chỉ đạt trên 92,61% là trên 10.648 tỷ đồng…

Đại diện HĐND tỉnh Bình Định trình bày thảo luận

Đại diện HĐND tỉnh Bình Định trình bày thảo luận

Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giao Bình Định là trên 1.268 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến ngày 9-3-2023 là trên 241/442 tỷ đồng (đạt 54,57%). Trong đó, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân trên 169 tỷ đồng (đạt 55,46%); vốn sự nghiệp đã giải ngân 72 tỷ đồng (đạt 52,62%)…

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH báo cáo, giải trình

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH báo cáo, giải trình

Tại phiên làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận, làm rõ từng vấn đề cụ thể, không nói chung chung. Phải nêu rõ được nguyên nhân, vướng mắc cụ thể do đâu, khâu nào, trách nhiệm do ai…

“Tôi đề nghị làm rõ vì sao cũng 1 thể chế, chính sách chung mà có địa phương thì giải ngân 100%, còn địa phương thì giải ngân chỉ 50 – 70%. Đặc biệt, làm rõ 23 dự án giải ngân chỉ đạt 0% là do đâu, lỗi do ai?”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định chỉ đạo tại buổi làm việc

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo ông Hồ Quốc Dũng, hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh giải ngân rất trì trệ, rất thấp. Chương trình này rất ý nghĩa, Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm dồn nguồn lực để nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nhưng cách làm chúng ta không ổn, không hiệu quả, tư duy chỉ muốn tiêu cho hết tiền. Trong đầu tư, hiện các địa phương chỉ quan tâm đến phần cứng hạ tầng giao thông, còn phần mềm và nguồn vốn sự nghiệp rất yếu.

“Chúng ta không thể làm đường lên cho đẹp để đi cho sướng, còn dân thì vẫn cứ nghèo. Cần phải tập trung thảo luận, tìm giải pháp để giải ngân tốt vốn sự nghiệp. Sâu sát đến tận dân, cầm tay chỉ việc, quan tâm các giải pháp nâng cao kỹ thuật canh tác cho dân, phát triển mô hình thoát nghèo làm giàu, xuất khẩu lao động,… Giải pháp, cách làm phải cụ thể, không được chung chung. Tốn bao nhiêu tiền phải làm để dân giàu lên bền vững, không chỉ chăm chăm đầu tư hạ tầng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, trong giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cần quan tâm đến chất lượng trên hết, không được làm khống lên để tiêu tiền cho nhanh. Tới đây, UBND tỉnh sẽ xây dựng chương trình nâng cao chất lượng từ khâu đầu đến khâu cuối, hướng đến giải ngân hiệu quả, tiến độ nhanh, chất lượng trên hết.

Ông Phạm Anh Tuấn trình bày tại buổi làm việc

Ông Phạm Anh Tuấn trình bày tại buổi làm việc

Trong đó, các chủ thể tham gia dự án cần có quy trình triển khai đảm bảo chất lượng, yêu cầu. Căn cứ vào đó, các dự án, chủ đầu tư phải phân kỳ theo từng giai đoạn, theo tháng, theo quý để căn cứ đánh giá, cân đối hoặc chuyển dự án cho phù hợp. Tới đây, chính quyền Bình Định sẽ tổ chức đào tạo lại hết cán bộ thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, làm dự án. Tập trung cho khu vực giải ngân vốn yếu, như huyện An Lão…

"Người nghèo phải thoát nghèo trên chính mảnh đất của họ"

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, nhờ Trung ương hỗ trợ kèm theo nguồn lực tỉnh, nên Bình Định thuộc tốp đầu của cả nước về nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Trong đó, năm 2022 – 2023, tỉnh có nguồn vốn cân đối trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền có sẵn nhưng hiện giải ngân còn chậm, chưa giải ngân được. Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân chậm, do: công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt; năng lực các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn gắn với chủ đầu tư; quy định chồng chéo, thủ tục rườm rà…

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định trình bày tại buổi làm việc

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định trình bày tại buổi làm việc

Hiện, Bình Định đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 1.200 tỷ đồng) về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, dân tộc thiểu số miền núi thuộc 3 sở, ngành chủ trì, gồm: Sở NN-PTNT, Sở LĐ-TB-XH, Ban Dân tộc tỉnh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, hiện 3 sở này đang làm việc theo tư duy “mạnh ai nấy làm”, rời rạc, lẻ mẻ nên dân vẫn nghèo.

Ông Hồ Quốc Dũng dẫn chứng: “Như ở xã miền núi cao nhất An Toàn (huyện An Lão) có 285 hộ dân nhưng hiện vẫn còn 265 hộ nghèo, còn lại cận nghèo, khó khăn. Thực trạng này diễn ra gần 10 năm nay vẫn như thế, tại sao? Mô hình chúng ta làm nhiều giờ vẫn thế thì nên suy nghĩ cách để thay đổi được? Hiện không chỉ giải ngân vốn các chương trình thấp mà chưa có mô hình nào hiệu quả. Chúng ta làm đủ các chương trình, mô hình, cái gì cũng làm nhưng dân vẫn nghèo. Vì vậy cần phải suy nghĩ để có cách làm hay, hiệu quả trong thời gian tới”.

Bình Định đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông rất hiện đại, thông thoáng

Bình Định đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông rất hiện đại, thông thoáng

Ông Hồ Quốc Dũng đề nghị, trong Chương trình mục tiêu quốc gia không nên chỉ đặt nặng đầu tư hạ tầng, đường sá mà cần phải quan tâm đến kỹ thuật canh tác để dân có tư duy, cách làm giàu. “Cần phải cầm tay chỉ việc, đi xuống tận các xã để thực hiện, làm sao để người dân thoát nghèo trên chính mảnh đất họ. Cách làm cần có kế hoạch cụ thể, lộ trình theo từng tháng, quý và gắn với trách nhiệm người đứng đầu từ tỉnh, huyện, xã.

“Tôi lo nhất là vốn sự nghiệp, đây là cái giải quyết căn cơ để nâng cao đời sống người dân. Các đồng chí giám đốc sở cần phải đi sâu sát xuống địa phương để hướng dẫn, tránh dồn xuống nơi năng lực yếu khiến các địa phương làm cho có, tốn tiền, không hiệu quả hoặc sai phạm”, ông Dũng nhắc nhở.

Cắt vốn nếu để “có tiền mà không tiêu được”

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, trong 3 tháng đầu năm tỉnh này chưa bán được lô đất nào. Điều này dự báo nhiều khó khăn trong tranh thủ nguồn lực của năm 2023. Tới đây, trong giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án tạo nguồn lợi từ đất, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh cần rà soát lại tất cả các dự án, những chủ đầu tư nào chưa thực hiện dự án cần cắt vốn, không cho làm nữa hoặc chuyển sang dự án khác…

Tin cùng chuyên mục