Về lý thuyết là thế khi mà mùa trước ngay chính tại sân Chi Lăng, Đà Nẵng đã hạ nhục Bình Dương đến 5 bàn trắng. Còn nhớ, người đau nhất trong thất bại nhục nhã này của Bình Dương là “tướng” Vương Tiến Dũng – người bị “cấp trên” ép buộc phải ra đi bất chấp việc tìm hiểu vấn đề Bình Dương thua hay Đà Nẵng thắng.
Cái thua ở lượt về năm trước chính là giọt nước làm tràn ly và hình như trước trận đấu ấy, không ít người ở Bình Dương biết rằng chỉ cần một thất bại nữa là “tướng” Dũng lên đường.

Trận Đà Nẵng (Huỳnh Đức) thắng đậm Bình Dương (Đình Phước) 5-0 ở V- League 2005. Lần gặp lại vào Chủ nhật này, liệu ĐN có lặp lại được chiến tích trên?
Sân Chi Lăng hôm ấy háo hức với chiến thắng như cơn mưa bàn thắng của đội chủ nhà. Cơn mưa gôn khiến người Đà Nẵng có lúc hớn hở với sức mạnh của chủ nhà đến nỗi quên cả đội khách có phải là chính họ nữa hay không. Chỉ có những người tinh ý mới hiểu bản chất của vấn đề khi nhìn thấy “tướng” Dũng ngồi bất động và lắc đầu ngao ngán khi Bình Dương bắt đầu lủng bàn thứ hai trong khi cầu thủ của mình thì cứ lững thững đi lên như một cách thể hiện việc sẵn sàng đón nhận những bàn thua.
Và sau cơn bão bàn thắng ấy là cơn bão lòng đến với HLV Vương Tiến Dũng. Ông bị buộc phải ra đi cho dù ông hoàn toàn có thể ngồi lì ở cái ghế ấy, nhưng lòng tự trọng của một vị tướng từng chinh chiến ở nhiều mặt trận không cho phép ông ở lại. Một ngày sau trận thua tủi hổ ấy, ông Dũng trở về Bình Dương thu xếp hành lý rồi lên đường.
Trong cuộc chia tay vội vã ấy, không ít học trò đã không dám nhìn thẳng vào mắt ông. Lại cũng có người ngồi với ông trên hàng ghế ban huấn luyện cũng có tâm trạng như thế.
Bây giờ, Bình Dương trở lại Đà Nẵng với một đội quân mới và một dàn ban huấn luyện mới. Họ có vẻ thoải mái hơn về tư tưởng và cũng không chờ đón sự kiện giọt nước làm tràn ly của một đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” nữa. Ông Xương ngồi trên chiếc ghế nóng của ông Dũng ngày nào giờ lại có những nỗi niềm riêng nơi một đội bóng được hình thành từ nhiều nhóm cầu thủ. Tiền không thiếu, con người cũng không thiếu, chỉ thiếu “nhân hòa” và thiếu tự tin từ nỗi ám ảnh năm trước mà những ai ở trong ruột Bình Dương đều hiểu, Bình Dương có thể thua nhưng thua tệ hại không có chút tinh thần như thế thì không thể.
Ông Xương đang cố gắng không đi vào vết xe đổ của ‘tướng” Dũng ngày nào và ông muốn lấy Chi Lăng làm một thước đo để “báo cáo” rằng Bình Dương bây giờ không ở hoàn cảnh “trên bảo dưới không nghe” nữa. Ông Xương và các cầu thủ Bình Dương vừa thua đau LG.Hà Nội. ACB trong một thế trận mà đội có nhiều cơ hội hơn lại là đội thất bại. Ông Xương đang muốn lấy lại tất cả để tránh như người tiền nhiệm từ hào quang của một đội vô địch lượt đi, sau đó chuyển sang giai đoạn rơi tự do và thất sủng.
Bình Dương giống Đà Nẵng ở chỗ họ là một đội bóng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” xếp ở hàng đại gia với núi tiền cho việc mua cầu thủ nội – ngoại về hình thành một đội bóng dồi dào lính đánh thuê. Ưu thế ấy cũng là một điểm yếu của chính họ bởi sự hòa hợp một tập thể gồm toàn lính đánh thuê hình thành từ nhiều nhóm với những thứ quyền lực riêng cũng ít nhiều phức tạp. Cái quyền lực ấy đôi lúc làm ảnh hưởng đến “phong độ” và đến sức chiến đấu của cầu thủ mà huấn luyện viên và những người quản lý có lúc trở thành nạn nhân.
Thực chất thì trận thua 0-5 của Bình Dương trước Đà Nẵng mùa trước chỉ là nỗi ám ảnh của “tướng” Dũng ngày nào. Chiều mai, Đà Nẵng sẽ khó tái lập cơn mưa gôn như thế. Ông Đoàn Minh Xương kế thừa “tướng” Dũng đang có những thuận lợi riêng bởi yếu tố thời gian và những cuộc cải cách tích cực.
Biết đâu các cầu thủ dưới triều đại ông Xương lại siết lên để chứng tỏ sự đổi mới và làm nên một cuộc lật đổ trên thánh địa Chi Lăng thì sao. Chỉ có điều là cuộc đấu giữa hai đội bóng toàn sao lần này sẽ không còn là trận đấu một chiều.
Và sự đối kháng ấy bước đầu đến từ tư tưởng của cầu thủ đội khách.
Họ ít toan tính hơn mùa trước cũng trên “mảnh đất” Chi Lăng này.
NGUYỄN NGUYÊN