Ngày 26-11, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố trước Nghị viện châu Âu kế hoạch đầu tư trị giá 315 tỷ EUR để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu lục già. Trước đó một ngày, EC đã thông qua việc thành lập Quỹ Đầu tư chiến lược châu Âu (EFSI) với vốn đầu tư ban đầu là 21 tỷ EUR (Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) góp 5 tỷ EUR và EU góp 16 tỷ EUR).
Kể từ sau khủng hoảng tài chính, kinh tế của khối EU vẫn đình trệ, chưa thoát khỏi tình trạng thất nghiệp cao và đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát, bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây công bố các biện pháp kích thích tăng trưởng chưa từng có.
Tuy nhiên, với quỹ đầu tư 21 tỷ EUR dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2015 và kéo dài 3 năm, các quan chức EU tin tưởng những dự án này sẽ mang lại “giá trị gia tăng thực sự” gấp 15 lần vốn bỏ ra cho kinh tế châu Âu sau 3 năm tạo thêm hàng triệu việc làm và GDP khu vực đồng tiền chung EUR tăng trưởng thêm 1 điểm % trong mỗi năm tới, theo ước tính của EC.
Vấn đề cốt lõi mà 28 nước thành viên EU đang phải đối mặt là thiếu vốn đầu tư, do hầu hết các nước hiện vẫn kẹt trong tình trạng thâm hụt ngân sách lớn và nợ ở mức cao. Do vậy, kế hoạch đầu tư mà ông Juncker đưa ra là không phụ thuộc vào nguồn tiền mới, không làm tăng chi tiêu ngân sách nhà nước, tập trung chủ yếu vào khối doanh nghiệp, liên doanh nhỏ và những dự án xây dựng mạng lưới vận tải, năng lượng và dữ liệu quốc tế, nhằm tạo việc làm cho giới trẻ.
Tuy nhiên, ông Jan Randolph, một nhà phân tích kinh tế tại tập đoàn nghiên cứu IHS Global Insight ở London cho rằng trọng tâm vấn đề của khối hiện nay là đầu tư thiếu tính quyết liệt, tương phản hoàn toàn với cách thúc đẩy đầu tư của Mỹ và các nền kinh tế mới nổi. Ngay cả kế hoạch sử dụng hỗn hợp nguồn tài chính công và tư vẫn chưa rõ ràng. Trong số 16 tỷ EUR góp quỹ của EU, có 8 tỷ EUR từ các quỹ đầu tư của EU.
Thực tế, con số 315 tỷ EUR sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhiệt tình của các nhà đầu tư. Reinhard Cluse, chuyên gia kinh tế tại UBS ở London nhận định, kế hoạch đầu tư của Brussels quá tập trung vào các con số lớn lao, nhưng lại dựa vào các nguồn tư nhân mà thông thường khó thành hiện thực.
Một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng nhưng lại do EIB - một tổ chức ít được biết đến có trụ sở tại Luxembourg - sẽ chịu trách nhiệm. Chi tiết của kế hoạch chưa được công bố, tuy nhiên bản chất của ý tưởng này là sử dụng tiền mặt của EIB và EU và từ một số nước thành viên giàu có khác như Đức. Số tiền này gần như phải chịu sự điều khiển của khu vực tư nhân với các thị trường tài chính đóng vai trò then chốt để huy động tiền mặt và thu hút đầu tư.
Mặc dù đã bật đèn xanh sẽ góp 10 tỷ EUR vào “kế hoạch Juncker”, nhưng Đức lại đặt điều kiện dòng tiền này phải từ các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và không gây nên sự bội chi chính phủ. Áp lực vẫn đang đè lên EU khi Đức - nền kinh tế mạnh nhất châu Âu - vẫn theo đuổi chính sách coi trọng cân bằng ngân sách và thận trọng tài chính.
Do vậy, nguy hiểm sẽ vẫn còn tồn tại vì theo các nhà phê bình của Liên minh Công đoàn châu Âu (ETUC), đội ngũ của Juncker vẫn sẽ không làm gì hơn là rót “rượu cũ” vào “bình mới”.
HẠNH CHI