Với sản lượng hàng hóa bình ổn cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường, tăng bình quân khoảng 15% - 20% so với kế hoạch TP giao, tăng từ 25% - 45% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2017, giá bán ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau tết, hàng bình ổn đã tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết.
Khách hàng mua trái cây tại hệ thống siêu thị Lotte Mart. Ảnh: VIÊN VIÊN
Đa dạng sản phẩm
Những năm gần đây, cùng với việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết, các DN bình ổn đã có nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa mặt hàng. Bên cạnh 2 dòng sản phẩm chủ lực là lạp xưởng và giò lụa, mùa tết năm nay Công ty cổ phần Vissan đã đưa ra gần 20 sản phẩm mới, cụ thể là mặt hàng gà sấy lá chanh, chả giò thịt, chả giò tôm cua đặc biệt, lạp xưởng tôm đặc biệt, lạp xưởng bò, giò lụa lá chuối, bò trộn lá lốt, giò heo xông khói, bì heo, pate thịt đặc biệt, xá xíu, nem lụi, xúc xích trộn đều xốt chanh dây, xúc xích trộn đều xốt mayonnaise, xúc xích trộn đều tacha… để làm phong phú thêm mâm cỗ tết của người tiêu dùng.
Công ty Saigon Food với thế mạnh về chế biến thủy hải sản cũng tung ra nhiều danh mục được khách hàng lựa chọn như lẩu hải sản các loại, cá trứng và mực tẩm bột. Công ty cổ phần Cầu Tre cũng không ngừng hoàn thiện về chất lượng và khẩu vị ở nhóm các mặt hàng như chả giò các loại, chạo tôm và mực cùng các loại thức ăn nhanh đông lạnh.
Hệ thống Co.opmart tiếp tục đưa thêm nhiều sản phẩm đặc trưng tết, trong đó nồi thịt kho tàu đúng khẩu vị xưa. Mặt khác, Saigon Co.op còn tổ chức chương trình “1.000 gia đình Việt Nam cùng Saigon Co.op nấu bữa tết ngon”; theo đó, các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op gồm hơn 50 siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra và cửa hàng thực phẩm Co.op Food và huy động trung bình từ 10 - 20 gia đình tại mỗi điểm bán để cùng siêu thị nấu một món ngon truyền thống đặc trưng tết của địa phương, nơi siêu thị trú đóng.
Dịp này, Saigon Co.op cũng tận tình hướng dẫn khách hàng nấu những món ăn truyền thống của ngày tết, thông qua cẩm nang “Tết ta, món ta”. Với cách làm này, nhiều gia đình trẻ chỉ cần mua sắm đầy đủ nguyên liệu là có thể chế biến được mâm cỗ tết. Điều đáng lưu ý, hầu hết các mặt hàng nêu trên đều nằm trong danh mục hàng bình ổn giá trong 2 tháng trước và sau tết.
Anh Nguyễn Minh Phương, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết tết năm nay anh không về quê sum họp cùng gia đình, nhưng trong thực đơn hàng ngày đều có đầy đủ các món ăn từ củ hành, củ kiệu, dưa món đến bánh chưng, thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, giò chả… vì chỉ cần gọi điện thoại cho siêu thị đặt trước là có. Nhiều khách hàng nhìn nhận, điểm khác biệt của mùa tết năm nay là nhiều nhóm hàng thực phẩm thiết yếu đã được TPHCM đưa vào diện quản lý, truy xuất nguồn gốc như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả được bày bán tại hơn 400 điểm bán.
Cùng với nhóm các mặt hàng trên, TPHCM còn có hàng trăm điểm bán thực phẩm an toàn, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Với cách làm này, TPHCM thực sự góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho mỗi gia đình, giúp gia tăng tài khoản tiết kiệm trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
Áp đảo về lượng
Năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018 là năm thứ 5 liên tiếp TPHCM không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho DN vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các ngân hàng thương mại, thông qua việc cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn 5% - 6%/năm, trung và dài hạn 7% - 9%/năm), cộng với nguồn vốn sẵn có của mình, các DN tham gia chương trình bình ổn đã thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cung - cầu thị trường với giá bán ổn định.
Theo Sở Công thương TPHCM, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Mậu Tuất 2018 tăng từ 15% - 20% so với kế hoạch TP giao và tăng 20% - 30% so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng thị trường 2 tháng trước và sau tết này hơn 17.800 tỷ đồng, tăng 743,3 tỷ đồng (4,1%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017; trong đó, giá trị hàng hóa BOTT hơn 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng được dự trữ với sản lượng lớn, chi phối từ 32% - 55% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Nhằm góp phần ổn định thị trường TPHCM và khu vực thông qua chương trình hợp tác thương mại, các DN của TP đã tăng cường mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Năm qua, TPHCM tiếp tục đưa hàng hóa trong CTBOTT đến các địa phương để tiêu thụ. Đến nay, nhiều DN sản xuất và phân phối trong chương trình đã phát triển mạng lưới cung ứng hàng hóa khắp các tỉnh, thành như Saigon Co.op, Vissan, Cầu Tre, Saigon Food, Colusa - Miliket, Lotte, Maximark… đều đã thực hiện BOTT tại các tỉnh, thành.
Bên cạnh nguồn hàng, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các DN trong chương trình tập trung phát triển nhanh và mạnh mạng lưới phân phối đến với mọi tầng lớp dân cư; trong đó, ưu tiên khu vực ngoại thành, KCN - KCX. Tại các kênh phân phối hiện đại, hàng bình ổn cũng đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả các siêu thị có yếu tố nước ngoài như Aeon, Lotte mart, Giant, Big C…, hàng bình ổn cũng được bố trí thành những khu vực riêng, dễ nhìn, dễ thấy.
Nhìn nhận về kết quả triển khai chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên Đán 2018, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết nhìn chung thị trường tết năm nay ổn định, hàng hóa cung ứng dồi dào, phong phú. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đã góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “chơi tết” và không còn quen mua sắm, dự trữ hàng hóa như các năm trước.
Qua kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm tổ chức, Sở Công thương TP cùng các sở - ngành, UBND quận - huyện và DN BOTT đã có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác cân đối cung - cầu và phân phối hàng hóa. Kế hoạch phục vụ thị trường tết được xây dựng kỹ lưỡng, chi tiết, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và được theo dõi, kiểm tra sát sao đã giúp thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố, đảm bảo người dân TP nói chung và người lao động thu nhập thấp nói riêng có điều kiện hưởng không khí tết “Đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm”.
Bên cạnh khâu chuẩn bị sản lượng hàng hóa lớn cung ứng cho thị trường tết, các DN BOTT cũng thực hiện việc chốt giá bán liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Ngoài mức giá luôn thấp hơn so với giá thị trường từ 5% -10%, trong tháng tết, các DN trong CTBOTT tiếp tục liên kết giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, góp phần tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với giá bán trên thị trường. Theo đó, các DN phối hợp với các nhà phân phối, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu các mặt hàng trong chương trình vào các ngày cận tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục, giá thịt gia súc giảm từ 10% - 15%; giá thịt gia cầm giảm 10%; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 10%; thủy hải sản giảm 15% - 20%...
Chính nhờ giá bán ổn định và luôn thấp hơn thị trường nên giá các mặt hàng bình ổn như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục trở thành giá tham chiếu đối với đại đa số người tiêu dùng TPHCM.