Bình ổn thị trường tiền tệ: Lập lại trật tự lãi suất

Niêm yết dưới trần
Bình ổn thị trường tiền tệ: Lập lại trật tự lãi suất

Hôm qua 13-12, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh lãi suất huy động VND theo trần lãi suất mới 15%/năm của thỏa thuận đã đạt được vào cuối tuần trước. Không còn những xáo trộn mạnh về lãi suất như tuần trước nhưng thực tế “sóng ngầm” lãi suất huy động vẫn đang diễn ra ở các NHTM.

Giải quyết hồ sơ vay vốn cho khách hàng tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Giải quyết hồ sơ vay vốn cho khách hàng tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Niêm yết dưới trần

Một trong những ngân hàng giảm lãi suất sớm nhất là Techcombank, khi mức cao nhất chỉ còn 13,95%/năm ở các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 tháng; các kỳ hạn còn lại phổ biến từ 13,45% - 13,5%/năm. Nếu trước đó, mức lãi suất huy động ở ACB lên tới 15,2%/năm ở chương trình khuyến mại “Xuân phát tài” với kỳ hạn 1 tháng, thì hôm qua ACB cũng đã điều chỉnh, đưa mức lãi suất huy động cao nhất đúng 15%/năm như cam kết.

Các ngân hàng như Eximbank, SCB… cũng đã giảm lãi suất huy động xuống mức huy động cao nhất không quá 15%/năm. Ở lần điều chỉnh này, các ngân hàng quốc doanh cũng nhập cuộc. Vietcombank mức lãi suất cao nhất 14%/năm cũng đã có ở 3 kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 tháng; các kỳ hạn còn lại tối đa chỉ 12%/năm.

Trong khi đó tại BIDV, mức cao nhất chỉ là 13,5%/năm… Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đều áp mức tối đa 15%/năm cho sản phẩm riêng và kỳ hạn ngắn, phổ biến các kỳ hạn còn lại đều dưới trần lãi suất từ 13,5% - 14%/năm. Điều này có thể thấy các ngân hàng có sự phòng ngừa rủi ro huy động vốn chi phí cao ở các kỳ hạn dài, khi lãi suất dự báo có thể giảm dần từ sau Tết Nguyên đán.

Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc và đạt được cam kết giữa các thành viên NHTM, lãi suất huy động VND đã có mặt bằng mới tương đối đồng đều. Tuy nhiên, khảo sát tại một số NHTM cổ phần nhỏ cho thấy vẫn còn ngân hàng huy động lãi suất trên 15%/năm. Các ngân hàng này cho biết áp dụng chủ yếu với các khoản tiền gửi lớn. Ngân hàng không niêm yết lãi suất vượt trần nhưng khách hàng vẫn có thể mặc cả lãi suất đối với ngân hàng.

Để tránh bị NHNN “bắt giò”, nhân viên các ngân hàng cho biết việc thương lượng lãi suất chỉ thực hiện khi người gửi tiền đến trực tiếp ngân hàng, còn qua điện thoại giao dịch viên sẽ không trả lời. Một phó tổng giám đốc ngân hàng cổ phần cho rằng, thực tế đã có rất nhiều khách hàng rút tiền của ngân hàng này để sang ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn để gửi.

Trong tình thế đó, buộc các ngân hàng đều phải tìm mọi cách để giữ khách. Việc vượt trần lãi suất huy động chưa hẳn là nhằm thu hút thêm tiền gửi mà trước mắt là giải pháp để giữ tiền lại, khỏi chạy đi nơi khác. Tuy nhiên, khi áp trần lãi suất huy động mới 15%/năm việc thỏa thuận lãi suất vượt trần nếu có sẽ không phổ biến rộng rãi, gây bất ổn cho thị trường tiền tệ như trước đây.

Chật vật đầu ra

Theo một chuyên gia kinh tế, mức trần lãi suất huy động 15%/năm là phù hợp trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm đang gia tăng mạnh. Với mức lãi suất huy động VND này là thực dương và gửi tiền ngân hàng có lợi hơn so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, khi trần lãi suất 15%/năm thì các ngân hàng cho vay lãi suất ít nhất từ 17% - 18%/năm mới có lời.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu và chi phí nguyên vật liệu đầu vào gia tăng, các doanh nghiệp trong nước không dễ kinh doanh có lợi nhuận 25% - 30%. Mà lãi suất tăng đột biến từ 17% - 18%/năm doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Để ổn định sản xuất, nhiều doanh nghiệp chấp nhận không lãi để có tiền trả lương cho nhân viên, duy trì thị phần kinh doanh. Tuy nhiên, nếu lãi suất cao vẫn kéo dài thì doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được.

Lãi suất cao trong ngắn hạn

Tư vấn khách hàng về vay vốn tại Sacombank. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Tư vấn khách hàng về vay vốn tại Sacombank. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, lãi suất cao là tất yếu trong bối cảnh kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao không thể kéo dài mãi và thực tế hiện nay các ngân hàng đều huy động lãi suất cao ở kỳ hạn ngắn không quá 3 tháng. Nhiều chuyên gia dự báo, qua tháng 2 lãi suất hạ nhiệt khi nhu cầu vốn để trữ hàng của doanh nghiệp không còn, cộng với các ngân hàng cũng phải giữ chân khách hàng tiền vay chứ không chỉ là đối với khách hàng tiền gửi. Lãi suất cao là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại khách hàng vay và đối tượng khách hàng. Đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng tất yếu sẽ ưu tiên cho vay lãi suất thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay chung.

Cụ thể, hiện nay ở ACB đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động lãi suất chỉ 15,5%/năm, vay trung dài hạn lãi suất 16,5% - 17%/năm. Theo một chuyên gia ngân hàng, trong bối cảnh từ nay đến tết thị trường lãi suất sẽ còn căng thẳng. Có nhu cầu vốn cấp thiết các khách hàng mới vay còn thời điểm này khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng không phải là giải pháp tốt. Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn nhận hồ sơ tín dụng của khách hàng nhưng khuyến khích khách hàng qua tết mới giải ngân để không phải chịu lãi suất cao và ngân hàng vẫn có thể phòng thanh khoản và giữ chân khách hàng.

Một thực tế hiện nay là lãi suất tín dụng tăng cao, khó khăn của các NHTM lúc này là doanh nghiệp có thể chậm trả vì nếu trả nợ sau đó vay lại có thể chịu lãi cao hơn hoặc trả nợ thì khó được vay lại. Chưa kể, càng về cuối năm, nhu cầu tiền càng cao, thanh toán xuất khẩu, thanh toán trong nước, dự án đòi giải ngân, trả lương và thưởng, trả các khoản vay phải trả cho công ty khác. Với các áp lực này, đến khi không chịu nổi thì không loại trừ khả năng doanh nghiệp sinh liều đi vay ở thị trường phi chính thức, tạo ra rối loạn.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết NHNN xử lý nghiêm khắc việc các ngân hàng xé rào vượt trần lãi suất huy động, để tránh lãi suất tăng đột biến như thời gian vừa qua. Đồng thời, NHNN cũng phải có biện pháp can thiệp kịp thời trên thị trường mở hỗ trợ vốn cho các ngân hàng nhỏ có nhu cầu thanh khoản cuối năm, tránh tình trạng các ngân hàng lớn làm giá lãi suất trên thị trường liên ngân hàng gián tiếp gây bất ổn cho thị trường lãi suất tiền gửi và cho vay của khách hàng.

Cảnh cáo Techcombank vì tăng lãi suất gây mất ổn định thị trường

Ngày 13-12, Thanh tra giám sát NHNN Việt Nam đã có văn bản nghiêm khắc cảnh cáo Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh và Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) về việc tổ chức đợt khuyến mại huy động vốn VND “3 ngày vàng” với lãi suất 17%/năm.

Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát cho rằng việc tăng lãi suất huy động lên 17%/năm vừa qua của Techcombank đã làm ảnh hưởng đến thị trường lãi suất và gây mất ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Ngày 9-12, NHNN đã có văn bản yêu cầu Techcombank chấm dứt việc tăng lãi suất không đồng thuận với lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Tuy nhiên, Techcombank chưa thực hiện nghiêm túc, nhiều điểm giao dịch của ngân hàng này vẫn tiếp tục thực hiện huy động vốn với lãi suất cao dưới các hình thức khác nhau.

Hiếu Huê

Tin cùng chuyên mục