Đầu tư kiểu “tay không bắt giặc”
BOT quốc lộ 91 bắt đầu thu phí tại trạm T1 từ đầu tháng 4-2016 và trạm T2 từ cuối năm 2016. Nhà đầu tư cho biết, khoảng 3 năm thu phí gần 500 tỷ đồng chỉ đủ trả nợ và bảo trì dự án, từ khi đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống thì bị tài xế phản ứng và buộc xả trạm thu phí T2.
BOT là hình thức nhà đầu tư bỏ tiền làm dự án để kinh doanh thu hồi vốn và có lợi nhuận rồi chuyển giao lại cho phía Nhà nước. Khi tham gia dự án hẳn nhà đầu tư đã tính toán cẩn trọng, kiểm tra thực tế, thống kê kỹ mật độ giao thông trên đường, mới đưa vào thiết kế, thi công, lập phương án hoàn vốn có lợi nhuận.
Thực tế không ít nhà đầu tư làm dự án theo kiểu “tay không bắt giặc”, chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng rồi đưa cả gốc lẫn lãi suất vào phương án hoàn vốn. BOT quốc lộ 91 thu phí trong 3 năm gần 500 tỷ đồng, mà chỉ đủ trả nợ, bảo trì dự án, chứng tỏ khoản vay khủng, tức nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính vốn tự có, nên mới đi vay, giờ lo sợ trở thành nợ xấu ngân hàng.
Qua đó cho thấy cách làm dự án BOT ở nước ta có một nghịch lý: vốn đầu tư chủ yếu huy động từ ngân hàng, rồi nhà đầu tư đưa cả gốc lẫn lãi vay vào phương án hoàn vốn. Như vậy, chẳng khác nào Nhà nước đi vay tiền làm dự án BOT rồi trả lãi, chẳng những không giúp giảm gánh nặng ngân sách, mà còn phải chịu thêm khoản lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chuyện nợ xấu được nhà đầu tư nêu ra nhiều khi để gây áp lực với các cơ quan chức năng. Liên quan đến huy động tài chính làm dự án BOT, phải nhắc tới trách nhiệm của ngân hàng khi thẩm định cho vay quá mức.
Chọn nhà đầu tư đủ khả năng tài chính
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán, kết luận nhiều dự án BOT giao thông thu phí cao hơn hẳn phương án tài chính; nhà đầu tư báo doanh thu không đúng thực tế. Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ bình quân mỗi ngày thu 1,97 tỷ đồng, nhưng báo chỉ thu 582 triệu đồng. Dự án quốc lộ 1 đoạn tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình) có doanh thu năm 2015 là 110,98 tỷ đồng, nhưng phương án tài chính xác định chỉ 90,42 tỷ đồng, thu vượt 20 tỷ đồng.
Dự án cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh - Bến Tre) bị yêu cầu giảm lợi nhuận hơn 433 tỷ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỷ đồng, giảm thời gian thu phí hơn 5 năm… Kiểm toán Nhà nước cũng đã có kết luận và yêu cầu cơ quan chức năng làm việc với các nhà đầu tư điều chỉnh giảm thời gian thu phí tổng cộng tới 222 năm đối với 61 dự án BOT.
Có những dự án BOT thiếu công khai, minh bạch, nên người phải trả phí hoài nghi và bức xúc. Dự án quốc lộ 91 rơi vào trường hợp đặt nhầm chỗ trạm thu phí BOT, tài xế phản ứng, phải ngưng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25-5-2019. Kể từ đó đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án cụ thể, cách thức giải quyết rốt ráo vụ việc. Nhà nước không thể trích ngân sách mua lại, bù lỗ 880 tỷ đồng cho nhà đầu tư. Bởi không có kiểu kinh doanh lời ăn, lỗ đẩy cho Nhà nước. Điều này không phù hợp với nền kinh tế thị trường, trái với nguyên tắc đầu tư, tạo tiền lệ xấu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định: “Dự án nằm trên đất, đất thuộc quyền sở hữu toàn dân, thì Nhà nước vẫn thực hiện quyền quản lý. Nhà nước thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng, nên mời gọi doanh nghiệp (DN) vào và chỉ cho phép DN xây dựng khai thác, quản lý trong thời gian nhất định; khi nào hết thời hạn kinh doanh, DN phải trả lại hạ tầng cho Nhà nước. Nếu DN làm ẩu, gian dối từ thi công đến xây dựng thì phải chịu trách nhiệm”.
Bộ Giao thông Vận tải là cấp có thẩm quyền, nên chủ động phối hợp giải quyết trở ngại sao cho hài hòa lợi ích, không gây bức xúc cho tài xế, tránh dư luận không tốt, đừng để nhà đầu tư chờ quá lâu ảnh hưởng hoạt động DN.
Để bịt lỗ hổng trong đầu tư các dự án BOT giao thông sắp tới, ngoài chuyện công khai và minh bạch các thông tin liên quan, lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện, cần hạn chế những rủi ro cho dự án. Trong việc chọn nhà đầu tư, tiêu chí đủ khả năng tài chính tự có là một trong những điều kiện tiên quyết.