Bò cạp thời tiền sử dài 2,5m

Bò cạp thời tiền sử dài 2,5m
Bò cạp thời tiền sử dài 2,5m ảnh 1

Các nhà khoa học Anh tại Đại học Bristol vừa phát hiện ở một mỏ đá gần Prum (Đức) một càng bò cạp hóa thạch dài đến 46cm. Chiếc càng này của loài bò cạp biển “Jaekelopterus Rhenaniae” sống ở Đức cách nay từ 460 đến 250 triệu năm, trước cả thời khủng long. Kích thước khổng lồ của chiếc càng cho thấy con bò cạp biển này dài đến 2,5m (ảnh), là loài chân đốt lớn nhất được phát hiện đến nay.

Một số nhà khoa học cho rằng loài chân đốt thời tiền sử lớn như thế do nồng độ ô xy trong không khí thời đó cao hơn (35% so với 21% ngày nay), hoặc do chúng phải phát triển một cuộc “chạy đua vũ khí” với những con mồi là cá có giáp cứng, động vật xương sống, các loài chân đốt khác và cả bò cạp biển nhỏ hơn. Khi động vật có xương sống tiến hóa theo hướng to hơn thì cách duy nhất để bò cạp biển đối phó là nhỏ lại và chạy trốn. Đó là lý do tất cả bò cạp thời nay đều nhỏ.

V.Hà (theo Los Angeles Times)

Phát hiện hữu ích từ cây ăn thịt

Bò cạp thời tiền sử dài 2,5m ảnh 2

Loài cây ăn thịt “Nepenthes Rafflesiana” (ảnh) thường mọc ở các vùng nhiệt đới châu Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, sống chủ yếu nhờ chất dinh dưỡng rút từ côn trùng bị mắc bẫy trong lá hình chén của chúng và được tiêu hóa nhờ một dịch enzyme.

Từ trước đến nay, người ta cho rằng công cụ bẫy mồi chính là bề mặt trơn bên trong lá và trọng lực, còn dịch trong bầu chén chỉ để tiêu hóa. Nhưng qua các thí nghiệm, với máy quay video độ nhạy cao cùng các thiết bị đo lường hiện đại, 2 tiến sĩ L. Gaume và Y. Forterre thuộc cơ quan CNRS của Pháp đã phát hiện chính độ nhớt cao của dịch tiêu hóa này – thuộc loại duy nhất trong vương quốc thực vật – mới chính là bẫy bắt côn trùng.

Tính đàn hồi cao của dịch có tác dụng kéo những côn trùng đang di chuyển, hiệu quả vẫn còn cả khi dịch được pha loãng với hơn 90% nước sau những cơn mưa lớn.

Dịch tiêu hóa của giống cây ăn thịt Nepenthes này có thể cung cấp những loại polymer mới vừa có hiệu quả cao vừa thân thiện với môi trường, có thể thay cho loại polymer thường được cho vào thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ để những giọt thuốc không rơi khỏi cây, hạn chế gây ô nhiễm đất.

V.Hà
(theo News in Science)

Tin cùng chuyên mục