Khát vọng sáng tạo

Từ lâu, cuộc thi Robocon trở thành nơi để học sinh, sinh viên có cơ hội tranh tài và thể hiện niềm đam mê công nghệ. Các đội tham gia không chỉ giới hạn trong một số trường chuyên đào tạo về khoa học kỹ thuật như ĐH Bách Khoa, ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm kỹ thuật… mà dần mở rộng ra các trường khác. Mỗi một robot sẵn sàng thi đấu là thành quả của quá trình làm việc cật lực của mỗi đội.
Khát vọng sáng tạo

Từ lâu, cuộc thi Robocon trở thành nơi để học sinh, sinh viên có cơ hội tranh tài và thể hiện niềm đam mê công nghệ. Các đội tham gia không chỉ giới hạn trong một số trường chuyên đào tạo về khoa học kỹ thuật như ĐH Bách Khoa, ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm kỹ thuật… mà dần mở rộng ra các trường khác. Mỗi một robot sẵn sàng thi đấu là thành quả của quá trình làm việc cật lực của mỗi đội.

  • Ấn tượng từ những “tân binh”

Cuộc thi Robocon năm nay tại TPHCM có số lượng đội dự thi ít hơn năm trước. Ban đầu có hơn 80 đội đăng ký tham dự nhưng đến giờ cuối chỉ còn 73 đội. Như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm 2010 có tới 11 đội tham gia thi Robocon vòng loại phía Nam, năm nay rút xuống chỉ còn 1 đội. Tuy kém về số lượng nhưng chất lượng lại có phần nổi trội hơn. Phần lớn các đội tham gia vào vòng loại Robocon khu vực phía Nam năm nay đều là những đội dày dạn trên đấu trường Robocon: ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư Phạm kỹ thuật TPHCM…. Chính điều này cũng tạo nên áp lực cho các đội thi lần đầu tiên.

Một trong những tân binh năm nay là đội CT08-2 (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Vốn có chút am hiểu về điện và đam mê sáng tạo, nhóm bạn ba người: Nguyễn Minh Tuấn, Huỳnh Minh Tuấn và Nguyễn Hữu Nghĩa đã tập hợp thành đội thi. Nguyễn Minh Tuấn bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia Robocon.

Trước khi thi, thầy cô và bạn bè đều động viên và xác định năm nay chỉ học hỏi kinh nghiệm. Khi robot của đội bạn liên tục vượt qua các chướng ngại hoàn thành công việc thì robot của đội mình sau phần khởi động khá trơn tru lại ỳ ra, không chịu di chuyển tiếp. Không khí trên sân thi đấu lúc đó rất “nóng”, càng khiến cả nhóm bối rối hơn”. Sau trận thua đau đó, cả nhóm ngồi lại rút kinh nghiệm, cố gắng khắc phục lỗi kỹ thuật của robot để tiếp tục tham gia cuộc thi. Biết trước sẽ không đủ điểm để tiếp tục lọt vào vòng trong nhưng các bạn cũng kiên quyết ra sân thi đấu tiếp, không bỏ cuộc nửa chừng. Đến trận thứ 4, những nỗ lực của ba chàng sinh viên đã được đền đáp khi robot của đội dành chiến thắng trước đội của ĐH Bách khoa TPHCM.
 
Đây cũng là lần đầu tiên tham gia nên 6 chàng sinh viên năm nhất của đội THVT (Trường Trung cấp Công nghệ tin học viễn thông Đồng Nai) còn khá bỡ ngỡ khi trực tiếp chế tạo robot. Một thành viên trong đội bày tỏ: Phần thiết kế mạch điện hay lập trình không thành vấn đề nhưng về phần cơ khí, vì không ai có chuyên môn lĩnh vực này nên cả nhóm lúng túng”. Tuy vậy, các bạn vẫn theo đuổi cuộc thi với mục đích học hỏi kinh nghiệm…

Năm nay, cuộc thi còn có sự trở lại của một số trường như Trường ĐH Trần Đại Nghĩa (thuộc Bộ Quốc phòng). Sau nhiều năm vắng bóng trên đấu trường Robocon, năm 2011, trường tham gia cuộc thi với 3 đội: Him Lam, TND-EX, VHP4… được đánh giá khá cao và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều bất ngờ. Các thành viên của đội Him Lam cho biết: “Học lý thuyết là một chuyện, khi ra thực tế lại là một chuyện khác. Đề thi năm nay khá khó và phức tạp, đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo của robot. Ngay trận đầu ra quân, chúng tôi đã gặp phải những đối thủ nặng ký là ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm kỹ thuật… cũng thấy hơi lo nhưng cả đội ai cũng quyết tâm đạt được kết quả tốt nhất”.

Đội CT 08-2 (Trường Cao đẳng Cao Thắng) kiểm tra robot trước khi thi đấu.

Đội CT 08-2 (Trường Cao đẳng Cao Thắng) kiểm tra robot trước khi thi đấu.

  • Nuôi dưỡng ước mơ

Năm nay, với chủ đề “Loy Krathong - Tình bạn thắp sáng niềm vui”, robot của các đội tham gia sẽ phải mang nến và hoa để trang trí một Krathong - đài hoa đăng hình hoa sen và đặt lên bề mặt sông phía đội mình. Theo đánh giá từ các đội thi, đề thi năm nay khá hóc búa.

Thể lệ cuộc thi năm nay đã có một số điểm thay đổi: Hai đội chơi được ngăn cách khu vực thi đấu riêng, hạn chế sự va chạm trong quá trình di chuyển của robot. Điều này đồng nghĩa với việc các đội chơi phải cho thấy được tính nhanh nhẹn, chính xác của robot, thể hiện sự vượt trội so với đối thủ. “Thao tác robot tự động mang ngọn lửa đèn đặt lên trên đỉnh cây đèn có lẽ là công việc khó khăn nhất. Nhưng đích đến càng khó càng kích thích đam mê để chinh phục”, Nguyễn Thành Trí, thành viên đội BK Power of Love (ĐH Bách khoa TPHCM) cho biết.

Tham gia vòng loại khu vực phía Nam năm nay, ĐH Lạc Hồng có 13 đội tuyển. Với vị trí là đương kim vô địch Robocon Việt Nam năm 2010 và á quân cuộc thi sáng tạo Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Ai Cập, ĐH Lạc Hồng trở thành một trong những đối thủ nặng ký.

Nguyễn Thành Trọng Nhân, thành viên Đội LH -ZO 2T (ĐH Lạc Hồng), chia sẻ: “Mỗi lần tham gia cuộc thi là cơ hội để toàn đội tìm ra phương pháp cải tiến robot tốt hơn, hiệu quả hơn. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để chuyển robot này thành robot điều khiển tự động ứng dụng vào thực tế. Ước mơ của chúng tôi không dừng lại ở việc chế tạo robot để đi thi mà là tạo ra những robot phục vụ sản xuất và sinh hoạt của con người”.

Trong 3 ngày 5, 6 và 7-4, vòng loại Robocon miền Nam đã diễn ra sôi nổi tại nhà thi đấu Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) với những màn trình diễn xuất sắc của 73 đội đến từ 18 trường ĐH, CĐ. Cuối giờ chiều ngày hôm qua (8-4), 12 ứng viên xuất sắc đã lọt vào vòng chung kết diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 5-2011. Phần thưởng cho đội xuất sắc nhất là chuyến tham gia cuộc thi Robocon quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 8-2011.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục