
Sáng 22-4-1975, Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình mặt trận và kế hoạch tác chiến của ta. Bộ Chính trị đã nhận định: “Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch đã không thể hiện ý đồ cố thủ Sài Gòn, mà giữ cho được hành lang đường số 4 từ Sài Gòn về Cần Thơ.

Mỹ ngụy đã lập chính phủ mới, đưa ra với ta đề nghị ngừng bắn, đi đến giải pháp chính trị, hòng cứu vãn tình thế thất bại hoàn toàn của chúng. Tất cả tình hình nói trên đang gây rối loạn lớn trong ngụy quân, ngụy quyền. Phong trào quần chúng nhân dân có thể có bước phát triển mới.
Thời cơ để mở cuộc tổng tấn công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”.
Trong ngày này, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của chiến dịch Hồ Chí Minh. Ta sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn từ năm hướng: Tây Bắc, Bắc-Đông Bắc, Đông-Đông Nam, Tây và Tây-Tây Nam.
Để thực hiện đánh nhanh, tiêu diệt địch, bảo vệ dân và các cơ sở kinh tế, văn hóa, cách đánh của ta là: thực hiện chia cắt, bao vây tiêu diệt địch phòng thủ ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm về nội thành.
Đánh chiếm các cầu lớn mở đường cho các đơn vị đột kích cơ giới mạnh đánh thẳng vào 5 mục tiêu chủ yếu (Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Dinh Độc Lập). Phối hợp với các quân đoàn là lực lượng đặc công, tự vệ thành phố…
Một kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy phối hợp đòn tiến công quân sự đã được chuẩn bị dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục.
N.T.H.H tổng hợp
Kỷ niệm ngày giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh |