Bộ Công an đề xuất bắt khẩn cấp để dẫn độ

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Bộ Công an đề xuất các nội dung như: bổ sung các trường hợp từ chối dẫn độ; bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị yêu cầu dẫn độ; bổ sung quy định về dẫn độ đơn giản; bổ sung quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ và bổ sung quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình.

Ngày 6-10, Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo nội dung dự thảo, Bộ Công an giải thích các nội dung đề xuất bổ sung trên là kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, đồng thời bổ sung các chế định, nguyên tắc để Luật Dẫn độ có nội dung đồng bộ, đầy đủ và toàn diện; phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn xảy ra; bảo đảm độc lập với lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Một trường hợp bị dẫn độ. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Một trường hợp bị dẫn độ. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Cụ thể, đối với trường hợp từ chối dẫn độ, Bộ Công an đề xuất bổ sung các trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước chống tra tấn) hoặc theo thông lệ hoặc pháp luật quốc tế (tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự, tội phạm không bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép).

Đối với nội dung bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ, Bộ Công an đề xuất, sau khi bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, phát hiện thêm các tội phạm mà người bị dẫn độ đã thực hiện trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu trước khi bỏ trốn sang quốc gia được yêu cầu thì các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chưa được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Trong khi đó, nội dung bổ sung quy định về dẫn độ đơn giản, Bộ Công an cũng đề xuất trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý với việc ra lệnh dẫn độ thì việc dẫn độ có thể được tiến hành kể cả khi các điều kiện về thủ tục chưa hoàn tất.

Đối với nội dung bổ sung quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ, Bộ Công an kiến nghị, trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

Quá trình nghiên cứu từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình. Theo đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ có thẩm quyền quyết định việc đưa ra cam kết này.

Bộ Công an cho biết, sau hơn 15 năm thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, công tác dẫn độ đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 38 yêu cầu dẫn độ; đã lập và chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Tuy vậy, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo Bộ Công an, trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 điều chỉnh 4 lĩnh vực, nhưng mỗi lĩnh vực có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau (dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù) nên khó đảm bảo áp dụng đồng bộ… Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 chưa tương thích với pháp luật quốc tế về các điều ước mà Việt Nam là thành viên.

Trước đó, ngày 19-8-2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6409 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Công an chủ trì lập đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Bộ Tư pháp chủ trì lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; sớm trình trình Chính phủ cùng một thời điểm (trước ngày 31-12-2023) xem xét, trình ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục