Bỏ ngỏ!

Cả nước hiện có hơn 1.000 bệnh viện với trên 300.000 giường bệnh, hàng năm tiếp đón và điều trị cho hàng trăm ngàn lượt người bệnh. Tuy nhiên, số người làm công tác xã hội y tế để hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh lại quá khiêm tốn, nếu như không nói là còn rất mới mẻ và xa lạ với các cơ sở y tế.

Cả nước hiện có hơn 1.000 bệnh viện với trên 300.000 giường bệnh, hàng năm tiếp đón và điều trị cho hàng trăm ngàn lượt người bệnh. Tuy nhiên, số người làm công tác xã hội y tế để hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh lại quá khiêm tốn, nếu như không nói là còn rất mới mẻ và xa lạ với các cơ sở y tế.

Nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tại các bệnh viện công lập ở tất cả các tuyến, cũng như bệnh viện tư, hoạt động khám chữa bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các y bác sĩ có trình độ chuyên môn về y tế. Trong khi các biện pháp trị liệu xã hội, hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân có vai trò rất quan trọng trong quá trình khám, chữa bệnh lại chưa được quan tâm và bỏ ngỏ.

Do vậy, trong tổ chức bộ máy nhân sự của tất cả bệnh viện hiện chưa có chức danh chuyên môn về công tác xã hội, cũng như chưa có phòng công tác xã hội. Thậm chí hầu hết lãnh đạo bệnh viện cũng rất mơ hồ về nghề công tác xã hội trong ngành y tế như thế nào. Nhiều vị lãnh đạo bệnh viện còn cho rằng, đây là một việc làm khó cho bệnh viện, gây khó khăn trong hoạt động tài chính của bệnh viện. 

Trong khi đó, thực tế hiện nay phần lớn các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, ở các thành phố lớn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Y bác sĩ không có đủ thời gian và khả năng giải quyết những nhu cầu của bệnh nhân, từ hướng dẫn giải thích về quy trình khám chữa bệnh, tư vấn về phác đồ điều trị, các phòng ngừa bệnh tật, cho tới hỗ trợ về tâm lý, tinh thần cho người bệnh… Thực trạng này đang dẫn đến không ít những vấn đề tiêu cực nảy sinh và phiền hà cho người dân khi đi khám chữa bệnh, làm căng thẳng mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc.

Hình thành và phát triển nghề công tác xã hội có vai trò rất quan trọng nên Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt đối với lĩnh vực y tế là yêu cầu cấp thiết, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bởi lẽ công tác xã hội y tế không chỉ cần thiết trong quá trình phục hồi chức năng, chăm sóc tâm lý xã hội cho người bệnh mà công tác xã hội còn có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân, giữa người bệnh với y bác sĩ cũng như cơ sở y tế.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020. Trong đó, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015, có 70% lãnh đạo các cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nghề công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe và cam kết triển khai thực hiện.

Mục tiêu phát triển nghề công tác xã hội y tế được đặt ra là cấp thiết, nhưng đòi hỏi ngành y tế phải có những giải phải cụ thể và quyết liệt thực hiện, nếu không sẽ khó bền vững và dễ rơi vào tình “đầu voi đuôi chuột”. Ngay từ bây giờ, Bộ Y tế cần phải khẩn trương khảo sát thực trạng và nhu cầu nhân lực công tác xã hội trong ngành y tế tại tất cả các tuyến khám chữa bệnh để xây dựng các mô hình công tác xã hội trong hệ thống y tế.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh, cũng như đội ngũ cán bộ y tế, cam kết mỗi bệnh viện thành lập được một đơn vị, lực lượng chuyên đảm nhận hoạt động công tác xã hội. Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên y tế, dân số ở các cấp. 

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục