Dạy “gối đầu” trong đào tạo lái xe

Bộ nói cấm?

Sau khi bài “Bộ GTVT cấm dạy gối đầu lý thuyết trong đào tạo lái xe: Người dân lẫn doanh nghiệp đều khổ” được đăng tải trên chuyên trang ATGT tuần qua, chúng tôi đã liên hệ và ghi nhận những ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng.
Bộ nói cấm?

Sau khi bài “Bộ GTVT cấm dạy gối đầu lý thuyết trong đào tạo lái xe: Người dân lẫn doanh nghiệp đều khổ” được đăng tải trên chuyên trang ATGT tuần qua, chúng tôi đã liên hệ và ghi nhận những ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại di động, Phó Cục trưởng phụ trách mảng đào tạo Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã không dưới hai lần khẳng định rằng (bộ) không hề có bất kỳ quy định nào cấm các cơ sở đào tạo (CSĐT) lái xe dạy “gối đầu” lý thuyết trong đào tạo lái xe, còn việc tại TPHCM triển khai việc cấm đoán này có thể là do đã có sự hiểu lầm ở chỗ nào đó trong Quyết định 55/2007/QĐ-BGTVT và Văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế đào tạo lái xe cơ giới đường bộ số 121/CĐBVN-QLPT&NL của Cục Đường bộ.

Ông Quyền nhấn mạnh rằng, bằng chứng thể hiện ngay trong công thức tính lưu lượng đào tạo mỗi hạng xe trong Văn bản hướng dẫn thực hiện số 121 vốn quy định rất rõ: số lượng xe x số học viên/xe (tổng thời gian khóa đào tạo/thời gian thực hành). “Ngay trong hệ số (tổng thời khóa đào tạo/thời gian thực hành) đã mặc nhiên cho phép các CSĐT lái xe được dạy gối đầu rồi” ông Quyền nói. Nói cách khác, như khẳng định của Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Quyền, Bộ GTVT không hề cấm các CSĐT lái xe dạy “gối đầu” lý thuyết, như vậy “trục trặc” có thể do địa phương - ở đây là Sở GTCC TPHCM - đã hiểu lầm chi tiết nào đó của Quyết định 55. Về vấn đề này, ông Quyền cũng khẳng định: “Nếu địa phương có thắc mắc gì thì cứ hỏi, bộ sẽ có giải thích thỏa đáng, đến nơi đến chốn. Thậm chí nếu địa phương yêu cầu, cục sẵn sàng tổ chức một hội nghị nữa để làm rõ, giải tỏa những vấn đề còn lấn cấn”. Ông Quyền quả quyết.

Bộ nói cấm? ảnh 1
Một buổi sát hạch lái xe tại Trung tâm sát hạch tự động Tiến Bộ - Củ Chi.

Thế nhưng sự việc lại hoàn toàn khác khi chúng tôi quay sang tìm hiểu với Sở GTCC TPHCM. Bởi vì theo lý giải của các cán bộ lãnh đạo Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX thuộc Sở GTCC, những câu chữ trong mục 6 Điều 10 chương III Quy chế Quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (được ban hành kèm theo Quyết định 55) đã bao hàm ý “không cho phép các CSĐT lái xe dạy gối đầu lý thuyết” mặc dù bản thân câu chữ không có từ CẤM nào. Theo lập luận của các cán bộ này, nguyên văn câu chữ trong mục 6a của Quy chế “Lưu lượng đào tạo lái xe ô tô là số lượng học sinh đào tạo lớn nhất được xác định bằng tổng lưu lượng số học viên học các hạng xe (bao gồm cả học lý thuyết và thực hành) ở một thời điểm” không có cách hiểu nào khác hơn là “lưu lượng đào tạo lái xe là số lượng học sinh đào tạo lớn nhất tại một thời điểm bao gồm cả học lý thuyết và thực hành”. Có thể diễn giải như sau: Nếu CSĐT lái xe có lưu lượng đào tạo là 500, thì trong một khóa đào tạo không được vượt quá con số 500 học viên đó, tính luôn cả lúc dạy lý thuyết lẫn khi sang thực hành, và như thế một khi còn đang dạy thực hành 500 học viên của khóa này, CSĐT lái xe đó không được phép mở ngay lớp dạy lý thuyết “gối đầu” cho khóa tiếp theo, vì như thế sẽ làm cho tổng số học viên đang đào tạo vượt mức khung cho phép. Bảo rằng Quyết định 55 CẤM dạy “gối đầu” là vì thế.

Một cán bộ Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX còn cảm thán rằng: “Câu chữ như thế thì không thể hiểu khác được”. Chính vì không thể hiểu khác được nên các CSĐT lái xe trên địa bàn TPHCM mới được phổ biến là không được dạy “gối đầu” lý thuyết nữa, và như thế cũng tức là “chết người” chỉ vì cụm từ bao gồm cả.

Về thắc mắc tại sao giờ đây số lượng học viên được thực hành lái xe/xe tập lái lại giảm đi chỉ còn 6,75 học viên/xe tập lái, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Quyền giải thích rằng cách tính toán để ra số lượng học viên được thực hành/xe tập lại trước đây không chi ly, và phổ biến vận dụng theo công thức tính: số lượng xe tập lái x định mức 5 học viên/xe x hệ số 2. Nhưng nay Quyết định 55 có cách tính rất chi tiết ở hệ số và vì thế giờ đây không phải CSĐT lái xe nào cũng được nhân thêm hệ số 2. Cụ thể cách tính mới để ra hệ số phải làm như sau: lấy hệ số của tổng thời gian đào tạo/thời gian thực hành đem nhân với hệ số của số giáo viên/số đầu xe tập lái. Ông Quyền nhận xét rằng ở TPHCM khó tuyển giáo viên dạy thực hành, nên hệ số giáo viên không cao, có thể vì thế mà hệ số giờ đây thấp. Tuy nhiên ông Quyền nhấn mạnh: “Nếu các CSĐT lái xe tại TPHCM có bức xúc, kiến nghị gì thì nên trình bày bằng văn bản gửi Sở GTCC để nơi đây tổng hợp lên bộ xem xét giải quyết”.

Ý kiến chuyên gia

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (đã nghỉ hưu): “Nên tùy theo niên hạn của xe mà phân định hạn mức học viên/xe tập lái, chứ không thể cào bằng”.
Tôi cho rằng chúng ta cần tính toán lại lưu lượng đào tạo cho từng đầu xe để có thể khai thác xe hợp lý. Nguyên tắc là xe càng mới thì phải có lưu lượng càng cao hơn xe cũ. Chứ nếu xe cũ, xe mới hạn mức đều như nhau là không hợp lý. Theo thiển ý của tôi, đối với xe mới sử dụng từ 1-5 năm thì nên cho phép đào tạo 10 học viên/xe tập lái; xe đã qua sử dụng từ 6-12 năm, hạn mức nên là 9 học viên/xe và xe trên 12 năm, nên có hạn mức từ 7-8 học viên/xe. Mặt tích cực của cách tính này là khuyến khích các cơ sở đào tạo lái xe đầu tư trang bị thêm đầu xe mới.

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục