Về dự án phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”, nhà sử học Dương Trung Quốc:

Bộ phim đã không tính đến yếu tố khả thi

Bộ phim đã không tính đến yếu tố khả thi
Bộ phim đã không tính đến yếu tố khả thi ảnh 1

Trước dư luận xôn xao về dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn hướng tới kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội, như kinh phí dự trù thực hiện, về kịch bản, về dấu ấn lịch sử cũng như tính khả thi của bộ phim… Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) về vấn đề này.

Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: Quan điểm của tôi là cần xác định sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời đô hay tôn vinh bề dày lịch sử 1.000 năm của dân tộc để xác định được đối tượng cần tôn vinh. Tất nhiên, việc Lý Công Uẩn dời đô là một sự kiện rất quan trọng mang ý nghĩa như sự khởi đầu của 1.000 năm nhưng có nhất thiết chỉ dừng lại chủ đề ấy không? Và quan trọng hơn cả là phải xác định tính khả thi của bộ phim ấy.

- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của bộ phim?

Nếu tôi là người có trách nhiệm tôi sẽ đặt ra tất cả các đề tài của cả 1.000 năm qua. Tôi nghĩ không thiếu gì đề tài hay nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là tính khả thi. Tôi không phản đối việc làm phim. Nếu dựng được phim Thái Tổ Lý Công Uẩn như mong muốn thì cực hay nhưng liệu có được như vậy? Làm phim này có thuận lợi hơn các tác phẩm điện ảnh khác là được đầu tư nhiều tiền nhưng cũng sẽ phải chịu áp lực rất nặng cả về phía xã hội. Nếu chọn một bộ phim của một thời kỳ lịch sử mà chúng ta chưa hiểu nhiều về nó thì thật khó. Câu chuyện có thể có thật, nhưng những yếu tố cần thể hiện qua ngôn ngữ trực quan của điện ảnh như khung cảnh, trang phục… còn là ẩn số.

- Cụ thể là…

Nhiều nhà sử học đã từng tranh cãi về vấn đề trang phục như tại sao tượng Lý Thái Tổ tại Hà Nội hiện nay lại khoác bộ quần áo đó… cũng bởi vì họ không hình dung ra Lý Công Uẩn như thế nào… Tôi có quan điểm rất đơn giản: không phải Tàu, không phải Tây thì đó là Ta. Chúng ta lấy tinh thần của nó chứ không đi vào tiểu tiết. Song dường như bộ phim đang có khuynh hướng tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Theo dự tính mà báo chí đã đưa tin thì bộ phim sẽ thuê nhiều phim trường của Trung Quốc, dường như có cả ngựa chiến của Trung Quốc… Hơn nữa, trước khi Tây sang, ở Việt Nam chưa có xe bánh ngang, xe đầu tiên là xe tay, xe kéo vì ở chúng ta sử dụng sông nước là chính. Xem hình ảnh đường thiên lý, đường cái quan, đường quốc lộ lưu thông chính thức của đất nước là đường mòn. Đi trên bộ chủ yếu là gánh là gồng mà quá lắm là xe cút kít. Thời điểm dời đô của Lý Công Uẩn mà có chiến xa thì quá lạ! Tôi không hiểu sẽ đưa trận chiến thế nào vào đây…

- Ý kiến của các nhà sử học dường như cũng đã tạo ra áp lực lớn trong suốt thời gian chuẩn bị làm phim?

Theo tôi, cho tới thời điểm này, các nhà sử học cũng chỉ nên đứng ở vai trò của người cố vấn chứ đừng can thiệp quá sâu vào công việc của người làm nghệ thuật. Sự áp đặt của chúng ta đôi khi đã gây ra tác động thiếu tích cực.

Đôi lúc không nên quá tỉ mỉ từng chi tiết mái ngói ra sao, hoa văn trên vải của thời kỳ đó như thế nào mà cái quan trọng là các nhà làm phim, người làm nghệ thuật phải biết chọn lọc những cái hợp lý để tôn vinh tổ tiên, làm đẹp cho tổ tiên. Mặc dù sáng tạo nghệ thuật phải có giới hạn song đừng bị chi phối quá nhiều bởi các tiểu tiết làm giảm tính hấp dẫn của nghệ thuật.

- Theo ông có nên đưa ra hạn định của bộ phim là năm 2010?

Một bộ phim bình thường ra đời đúng lúc là cần thiết, đây là phim được làm nhằm tới kỷ niệm một ngày lễ lớn của dân tộc lại càng cần phải tính toán thời điểm hoàn thành. Song kỳ vọng quá lớn cũng có thể gây thất vọng lớn. Tại sao chúng ta lại làm từ to đến nhỏ mà không bắt đầu từ nhỏ đến to? Chúng ta đã từng làm các bộ phim lịch sử rồi, thành công đến đâu cũng cần phân tích rồi sau đó mới nâng dần quy mô lên.

- Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của bộ phim?

Tôi không biết rồi đây bộ phim sẽ như thế nào nhưng phải nói thật tôi đánh giá rất cao nỗ lực của những người bắt tay vào làm phim này vì họ là người rất “liều mạng”. Nếu thành công thì ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Rất e ngại hiệu quả của phim đem lại không tích cực cho xã hội thì sẽ làm giảm đi tính “đóng góp” của điện ảnh cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (chưa nói tới chuyện tiền bạc).

Trong khi đó có rất nhiều đề tài khả thi tôn vinh kỷ niệm này. Nhưng dường như tính khả thi không phải là tiêu chí để lựa chọn và cứ định vị việc chúng ta kỷ niệm thời điểm 1.000 năm dời đô chứ không phải kỷ niệm thành phố 1.000 năm tuổi.

- Xin cảm ơn ông.

Vĩnh Xuân (ghi)

Tin cùng chuyên mục