Trên thực tế, từ nhiều năm qua, TPHCM đã thực hiện đối chiếu bản chính trong nhiều khâu liên quan đến cải cách TTHC.
Hướng tới mục tiêu đơn giản hóa
Phương án trên sẽ được áp dụng đối với nhiều thủ tục thuộc nhóm TTHC trong phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, hàng hải, lao động, tài chính, nội vụ…
Cụ thể, Thủ tướng quyết định không quy định hình thức bản sao có công chứng, mở rộng các hình thức bản sao phù hợp với cách thức thực hiện TTHC. Như vậy, trong quá trình giải quyết TTHC, khi nộp hồ sơ trực tiếp, người dân có thể lựa chọn một trong những cách thức như sau: nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu, hoặc bản sao có chứng thực.
Trong trường hợp nộp hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện, người dân vẫn phải cung cấp cho cơ quan chức năng bản sao giấy tờ có chứng thực.
Công tác đối chiếu bản chính bằng con dấu của cán bộ nhận hồ sơ tại
UBND quận Gò Vấp
UBND quận Gò Vấp
Thực hiện cải cách hành chính, từ năm 2007, để tạo thuận lợi cho người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính.
Nghị định quy định rõ các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản sao không có chứng thực thì phải yêu cầu người dân xuất trình bản chính để đối chiếu, đồng thời ký xác nhận vảo bản sao để xác định tính chính xác.
Tuy nhiên, nhiều nơi đã lạm dụng bản sao có chứng thực, gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội, đồng thời tạo áp lực, quá tải cho nhiều địa phương khi phải tiếp nhận chứng thực với số lượng quá cao.
Để chấn chỉnh tình trạng lạm dụng sao y, chứng thực, Chính phủ đã có Chỉ thị 17 vào tháng 6-2014 để quy định về việc không yêu cầu người dân nộp bản sao y có chứng thực từ sổ gốc, mà phải thực hiện đối chiếu bản chính. Điều này đã giúp dân giảm thời gian đi lại, bớt tốn kém cả thời gian và tiền của.
Dễ thực hiện, đỡ phiền hà dân
Theo Sở Nội vụ TPHCM, triển khai Quyết định 199, sở này đã chuyển các cơ quan có thẩm quyền để trình các phương án thực thi. Tuy nhiên, tại TPHCM, thời gian qua, công tác đối chiếu bản chính đã được nhiều địa phương thực hiện rất tốt.
Tại bộ phận một cửa của UBND quận Gò Vấp, 9 giờ sáng một ngày giữa tuần, rất đông người dân chờ để làm các thủ tục, giấy tờ. Tại khâu đăng ký quyền sử dụng đất, các hồ sơ của người dân được giải quyết nhanh chóng khi cán bộ tiếp nhận đối chiếu bản chính và đóng dấu.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Trưởng phòng tư pháp quận Gò Vấp, cho biết từ khi quận áp dụng hình thức đối chiếu bản chính, lượng người đến làm các thủ tục sao y, chứng thực đã giảm đi rất nhiều. Ngoài hình thức dán thông báo về việc bỏ sao y chứng thực, cán bộ tại các bộ phận cũng tuyên truyền đến người dân chỉ cần mang bản chính để đối chiếu.
“Thực tế việc đối chiếu bản chính không mất thời gian, cũng không gây khó khăn cho cán bộ trực tiếp. Khi kiểm tra giữa bản sao và bản chính đúng, cán bộ chỉ cần đóng dấu đã đối chiếu bản chính, việc này không mất nhiều thời gian, nhưng lại giúp người dân đỡ mất thời gian, tiền của. Hầu hết cán bộ tiếp nhận của quận đều được tập huấn để có thể phát hiện sai sót trong khâu đối chiếu”, bà Liễu chia sẻ.
Tương tự, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM, công tác đối chiếu bản chính đã được áp dụng từ lâu. Như tại UBND phường 10 quận Phú Nhuận (TPHCM), khi đến làm các TTHC, người dân chỉ cần có bản chính để đối chiếu bản photocopy. Theo ông Ngô Giang Hoàng Hân, Chủ tịch UBND phường 10, việc đối chiếu bản chính tại phường được thực hiện rất nhanh chóng và thuận tiện nhất cho dân.
Tuy nhiên, do tâm lý e ngại, sợ hồ sơ không đủ con dấu sẽ phải làm lại, nhiều người dân vẫn đi sao y, chứng thực. Điều này gây mất thời gian của người dân và gây quá tải tại nhiều địa phương. Chị Nguyễn Thị Út (ngụ phường 8, quận 4) đến UBND phường 8 nhờ chứng thực sao y sổ hộ khẩu, CMND, bằng cấp.
Chị bảo chuẩn bị nộp hồ sơ cho con trai chuyển trường nên phải đi chứng các giấy tờ. Tuy có biết về quy định chỉ cần đối chiếu bản chính, không phải sao y chứng thực, nhưng chị Út vẫn làm cho “chắc ăn”. Tâm lý của chị là thà mất thời gian đi chứng thực chứ đến lúc nộp hồ sơ bị kêu không đủ giấy tờ có con dấu, lại phải đi làm thì mất công hơn. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân: sợ bị hành vì các TTHC không đáng có.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, để cán bộ và người dân tập thói quen đối chiếu bản chính, khi kiểm tra đột xuất các hồ sơ tại cơ sở, thấy các giấy tờ chỉ cần đối chiếu bản chính mà lại có bản sao y, chứng thực, đoàn kiểm tra sẽ bắt giải trình, tìm nguyên nhân. Có như vậy, cán bộ sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công việc, cũng như tuyên truyền đến người dân có hiệu quả hơn.