“Bó tay” với giá sữa?

(SGGP).- Giá sữa có lẽ là câu chuyện “đau đầu” nhất của cơ quan quản lý giá cả từ năm 2007 đến nay, mà đỉnh điểm là năm 2009, khi giá sữa ngoại liên tục tăng giá và đang tiếp tục cuộc đua vào những ngày đầu năm 2010.

Theo Thông tư 104 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Giá, sữa nằm trong danh mục bình ổn giá và các biện pháp sẽ được thực thi nếu mặt hàng này biến động, gồm: các biện pháp để điều chỉnh cung cầu hàng hóa; mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia; kiểm soát hàng hóa tồn kho; các biện pháp tài chính, tiền tệ.

Tuy nhiên, các biện pháp trên không có tác dụng đối với việc bình ổn giá sữa, bởi không đưa được các nhà phân phối sữa nước ngoài vào diện này. Chỉ các doanh nghiệp có 51% vốn Nhà nước mới nằm trong diện đăng ký giá!

Kết quả nghiên cứu từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho thấy hầu hết giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu đang bán ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều cao hơn 20-60%, cá biệt có khi lên tới 100-150%. Sự tăng giá bất hợp lý của mặt hàng sữa đã từng được chỉ ra, đó là chi phí quảng cáo, tiếp thị quá lớn và vượt mức quy định (10%). Chẳng hạn Công ty TNHH Nestlé Việt Nam có chi phí tiếp thị, quảng cáo năm 2008 lên tới 20,5 tỷ đồng (chiếm 38% trong chi phí kinh doanh). Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp phân phối khác.

Nếu tiết giảm được chi phí quảng cáo, tiếp thị đồng thời cùng với nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể giảm giá bán các sản phẩm sữa nhập khẩu. Vậy tại sao các doanh nghiệp lại không muốn giảm chi phí để có giá bán hợp lý đến người tiêu dùng?

Thực tế này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, đó là sự hạn chế và nới tay của các cơ quan quản lý trong việc xử lý sai phạm của doanh nghiệp khiến họ tiếp tục chọn con đường vi phạm. Nguyên nhân thứ hai chính là tâm lý sùng bái hàng ngoại của người tiêu dùng, đã góp phần đẩy giá sữa lên cao.

Đã đến lúc cần xem lại quan niệm sữa ngoại tốt hơn sữa nội. Bởi thực tế, hầu hết các nguyên liệu sản xuất sữa bột đều được nhập từ nước ngoài. Các thành phần dinh dưỡng cơ bản trong sữa nội và sữa ngoại đều giống nhau. Giá sữa khác nhau chủ yếu do chiến lược xây dựng thương hiệu và chi phí đóng gói tại nước ngoài khiến sữa ngoại đắt hơn.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư mới thay thế Thông tư 104. Dự kiến sẽ yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng trong diện bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh sữa muốn tăng giá sẽ phải thuyết minh nguyên nhân điều chỉnh giá. Khi đó, các loại chi phí sẽ được rõ ràng hơn và doanh nghiệp khó có thể muốn tăng giá bao nhiêu cũng được. Các biện pháp mạnh tay hơn cũng đã được đề xuất nếu doanh nghiệp tự ý bán giá cao, không hợp lý và hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thu phần chênh lệch giá.

Có cơ sở để tin rằng thông tư mới sẽ triệt tiêu việc tăng giá bất hợp lý, tùy tiện và cơ quan chức năng sẽ không còn “bó tay” trước việc sữa ngoại tăng giá. Tuy nhiên, tính hiệu quả của biện pháp này đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện.

Câu chuyện về giá sữa cũng có điểm tương đồng với giá ô tô. Còn nhớ, vài năm trước, giá ô tô Việt Nam luôn cao ngất ngưởng, bất hợp lý và cơ quan thanh tra thuế đã tiến hành thanh tra các liên doanh sản xuất, lắp ráp với mục đích tìm ra chi phí của các công ty này xem có hiện tượng chuyển giá cho công ty mẹ ở nước ngoài? Nhưng từ đó đến nay, kết luận thanh tra vẫn chưa rõ ràng, không có tác dụng điều tiết giá mặt hàng này.

Thực tế quản lý giá cho thấy nếu không nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan chức năng, người dân nước ta sẽ mãi là “con gà đẻ trứng vàng” để những đại gia nước ngoài thâu tóm.

Tin cùng chuyên mục