Sau bài “Nghị định mới trong xử phạt công nghiệp: Cha chung có ai khóc?” đăng trên Báo SGGP ngày 11-10, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh bức xúc đến chúng tôi.
Trước đây, 5 cơ quan có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ, hàng gian, hàng giả gồm: Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ và văn hóa thể thao du lịch, cảnh sát kinh tế, UBND các cấp và hải quan, khi “đụng” chuyện đã rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Nay nghị định mới ra đời tăng thêm thẩm quyền xử phạt cho 2 cơ quan nữa là Thanh tra thông tin truyền thông và Cục Quản lý cạnh tranh, chưa chắc giúp tình hình khá lên.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước đây khi sản phẩm của họ bị làm giả, họ thông báo, khiếu nại đến cơ quan chức năng thì hoặc bị làm lơ, hoặc phải đến 1- 2 năm mới được xử lý. Nơi nào cũng nói thiếu người. Chẳng hạn như cơ quan quản lý thị trường, việc quản lý của họ rộng khắp từ giá cả hàng hóa đến chất lượng, thị trường… nên không có thời gian để “giải quyết” các yêu cầu người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bức xúc phải tự mình thuê người đi theo dõi, điều tra những đơn vị làm giả sản phẩm mình, khi phát hiện địa điểm mới báo cho cơ quan chức năng đến làm việc. Tuy nhiên, việc này không phải ai cũng làm được bởi các đối tượng làm hàng giả chỉ cần phát hiện rục rịch là chuyển đi chỗ khác nên theo dõi rất khó, lại mất thời gian. Do vậy, có doanh nghiệp nói thẳng, thà tập trung cải tiến sản phẩm để những kẻ làm hàng giả không theo kịp còn đỡ tốn thời gian hơn. đó là cách tự cứu mình chứ chờ đến cơ quan chức năng biết đến bao giờ…
Lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Không phải nâng mức xử phạt, tăng thẩm quyền xử phạt có thể chống được hàng gian, hàng giả. Vấn đề chính là có xử lý hay không, trách nhiệm thuộc về ai khi có hàng gian, hàng giả hoành hành trên thị trường. Đừng phân công kiểu “cha chung không ai khóc” như lâu nay…
Chế Hân