Bố tôi

Bố tôi

Bố tôi không biết chữ. Song, những gì bố đã dạy tôi bằng chính cuộc đời mình thì mãi mãi tôi ghi sâu trong cõi thẳm ký ức như những bài học làm người đầu tiên.

Đã bao lần tuổi thơ tôi xao động trong nước mắt ngậm ngùi khi được bố ôm riết vào lòng tỉ tê kể lại quãng đời xưa cũ của mình. Ông tôi mất năm bố mới 8 tuổi. Nhà nghèo, không tấc đất cắm dùi, giữa vùng quê nghèo khó, bố phải đi ở đợ lần lượt cho mười hai chủ. Bữa bữa, được lưng cơm cháy, cơm khê, bố chỉ ăn một nửa, còn một nửa “bí mật” gói lẳn vào lưng quần, mang về đưa cho mẹ, cho em.

Ngày cưới mẹ, giường hạnh phúc vẫn chỉ là chiếc ổ rơm trong ngôi nhà tre vách đất mái rạ đơn sơ dột nát. Không chịu giam mình trong nghèo đói, bố quyết chí tha phương ra Hòn Gai làm thợ mỏ. Nào ngờ tám năm sau trở về tay trắng, lại thêm bệnh tật đầy người. Bố lần hồi ra đất biển Xuân Hà làm muối, kéo lưới thuê. Rảnh lúc nào lại gánh nước ngọt bán, kiếm thêm vài xu mỗi ngày. Nhiều khi khát cháy cổ, vẫn không dám uống, sợ thùng nước vơi, chủ sẽ bớt tiền. Được chút vốn, bố mẹ xoay nghề hàng xáo. Bố thường gánh gạo cùng mẹ lên chợ Cổ Lễ cách tới hơn hai mươi cây số để bán. Có hôm về quá muộn, đường xa lại vắng, thươngï mẹ yếu mệt, đi không kịp, bố “bắt” mẹ ngồi lên một bên thúng, còn bên kia là ngô, khoai, cứ thế gánh đi trong tiếng chuyện trò vui vẻ, đâu biết gì đến những giọt mồ hôi ướt đầm manh áo nâu sẫm đen màu bùn non mưa nắng, lã chã rơi trên con đường quê ngoằn ngoèo, heo hút. 

Nhiều đêm đã khuya lắm, bố vẫn còn xoay trần xay thóc, giã gạo, cuốc đất, chăm rau trong ánh đèn dầu chập chờn lay lất. Những ngày mưa, bố lại cặm cụi đem rổ rá, dần, sàng ra “kiểm định”, tỉ mỉ vá sửa từng cái nan gãy, buộc lại từng nuộc lạt đứt. Bố vẫn thường nói với anh chị em chúng tôi: “Không biết chúng mày thế nào, chứ tao cứ có làm mới có vui. Nghỉ một lúc là thấy khó chịu, chân tay nó buồn bằn thế nào”.

Khi bố đã gần tuổi 50 mới sinh được tôi, “cục cưng” duy nhất. Nào ngờ, bị sốt bại liệt, hỏng cả hai tay khi vừa 4 tuổi. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác nong nóng, bổi hổi từ những giọt nước mắt của bố tràn sang má, mỗi khi bố ôm tôi vào lòng khe khẽ sờ sờ nắn nắn hai cánh tay mềm nhũn của tôi trong tiếng thở dài giữa đêm thanh vắng.

Nhớ một chiều thu trong mát, tìm đâu ra mẩu gạch non và cục than củi, cứ thế tôi ngồi dài dì trên khoảng sân mới nề, loay hoay “vẽ” không biết bao nhiêu chữ O nhằng nhịt bằng bàn chân khờ khạo, mê mải đến mức chỉ nhận ra nắng chiều đã tắt khi giật mình nghe tiếng bố đi làm về quát lớn: “Trời ơi, mặt sân như cái mặt người, mày làm thế này thì ai nhìn được. Chỉ khéo bới việc cho thằng già thôi”. Tôi hoảng sợ, chạy sang nhà bên. Khi về, bố đã múc nước rửa sân từ lúc nào. Vài hôm sau, vừa ở trường về, tôi được mẹ gọi đến trao cho 2 cục gạch non đã được đẽo mài rất khéo và nói là bố làm cho đấy. Nhưng bố dặn chỉ được tập “vẽ” ở khoảng sân cũ, gần chỗ cầu ao thôi!”.

Lại nhớ cái năm lớp 6. Khi học bài về núi, tôi quyết tự xây một mô hình để học cho vui ngay tại góc nhà. Nào ngờ gần xong, với bao công phu của đôi bàn chân lầm lũi, nhọc nhằn, thì bố quét nhà đụng phải (lúc đó mắt bố đã kém lắm). Thế là, chẳng những cái mô hình bị tan, mà “tác giả” của nó còn phải hứng chịu cơn thịnh nộ của bố, cũng vì tội “hàn dơ ra nhà”. Trưa hôm sau, vừa về đến ngõ, mẹ đã hối ra cầm túi sách cho tôi, vui vẻ bảo vào nhà đón quà của bố. Tôi khấp khởi chạy lao vào và sung sướng nhận ra bố đã công phu kiếm ở đâu về cho tôi đủ cả những “vật tư” ngon lành nhất để thi công một “công trình núi” mới. Nào xi măng. Nào cát. Nào những cục xỉ lóng lánh nhiều màu với bao hình thù kỳ dị, hấp dẫn. 

Nhớ những ngày học cấp 1, biết tôi làm thủ công bằng chân đâu có dễ như tụi bạn, thế là bố lại lặng lẽ tìm cách hỗ trợ. Khi tôi tập đan thì bố ra bờ tre chọn cây, đẵn về pha thành nan. Khi tôi cắt chữ thì bố mài kéo. Khi tôi nặn con giống thì bố ra tận bờ ruộng xa tìm moi về những cù đất sét mịn dẻo. Biết tôi thích vẽ, bố gửi người ra Hà Nội mua bằng được hộp chì 12 màu. 

Những năm thập kỷ 60, kinh tế gia đình tôi thuộc loại khá giả trong làng. Ấy vậy mà chưa một bữa cơm nào nhà tôi không ăn độn. Riêng tôi được ưu tiên đặc biệt. Cứ đưa nồi cơm lên là bao giờ phần độn khoai, chóc bố cũng chọn về mình, phần cơm bố dành cho tôi. Bố vẫn thường nói: “Làm người phải sẻn so, ăn hôm nay biết lo ngày mai, bóc ngắn cắn dài thì đến núi cũng lở”. 

Cho mãi những năm cuối đời bố vẫn một mực sống với chân lý ấy. Khi cả bốn chị em tôi đã có gia đình, con cái; mẹ đã quy tiên, với tuổi tám mươi, mắt mờ, chân chậm, đi đâu phải nhờ đến cây gậy trúc, bố vẫn không chịu cho chúng tôi được quyền chăm sóc, phụng dưỡng. Bố vẫn một mình một niêu cơm nhỏ. Có khi nấu một lần ăn hai bữa. Nhiều hôm thấy bố chỉ ăn cơm suông. Tìm hiểu ra mới biết khi nấu bố đã bỏ muối vào gạo. Nghĩ xót lòng, vợ chồng tôi nhiều phen nài nỉ bố ăn chung. Song bố vẫn cự tuyệt: “Chúng mày chân yếu tay mềm, đồng lương nhà giáo thì có bao nhiêu, lại phải tiêu pha trăm thứ. Thôi cứ thu vén nuôi cho mấy nhóc nó khỏe, nó ngoan, sau này nó giỏi giang là tao mừng. Tao bây giờ đã ngấp nghé cửa lỗ, sống nay, chết mai... Với lại Cụ Hồ đã dạy rồi “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. 

Khi có đồ ngon, muốn mời được bố ăn, bà xã tôi phải “bí mật” vùi chúng dưới lòng chén cơm. “Bố đừng sợ chúng con nghèo. Bố cứ ăn được một là chúng con như thấy mình ăn được mười. Thế là chúng con vui”. Chúng tôi đã từng nghẹn ngào trong nước mắt mà chân thành thưa với bố như vậy. Nhưng rồi cái bản tính cần kiệm, sẻn so, chỉ cho mà không muốn nhận, không muốn phiền ai, dù đó là con cái, vẫn không chút đổi thay trong bố. Khi có cân đường biếu bố, bố lặng lẽ dồn vào hũ sành, bịt đi bịt lại hết bằng vải lại đến bằng ni lông. Có khi vài ba tháng không ăn. Khi ai đó trong làng bị đau bệnh, bố âm thầm mang ngay sang biếu họ. Nhớ ngày còn nhỏ, tôi không bao giờ quên được hình ảnh khi thì mấy củ khoai, lúc thì nắm cơm gạo mới, bữa thì đĩa xôi đậu vò (dĩ nhiên chúng tôi đã được ăn thoải mái, đây là phần riêng của bố) bố vẫn thường tỉ mỉ gói lại bằng vài tấm lá chóc, lặng lẽ mang sang cho con cái mấy nhà khó trong xóm. Khi ai đó trong chị em tôi nghĩ thương bố mà cự lại thì thể nào cũng nhận được từ bố lời giải thích vui vẻ giản đơn: “Ở đời có bớt bát mới mát mặt con ạ!”.

Bao năm rồi bố đi xa. Vợ chồng con cái tôi đã chuyển chỗ ở vào TPHCM. Chúng tôi đã thành ông bà ngoại. Song trong tôi vẫn không lúc nào nguôi ngoai những kỷ niệm đầy ắp vui buồn, thánh thiện ấy về bố.

NGUYỄN NGỌC KÝ
(Hướng tới Ngày của cha 19-6-2011)

Tin cùng chuyên mục