Bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không là người địa phương

Nghị quyết 26 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành đặt mục tiêu từ năm 2020 đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp tỉnh, hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, trước hết là chủ tịch UBND. Hiện nhiều tỉnh, thành đã triển khai người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường, xã không là người địa phương, trong đó có TPHCM.
Đồng chí Mai Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường 10, quận 3, TPHCM đi nắm bắt địa bàn mới ngay khi được bổ nhiệm
Đồng chí Mai Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường 10, quận 3, TPHCM đi nắm bắt địa bàn mới ngay khi được bổ nhiệm

18 quận, huyện, TP Thủ Đức hoàn thành

Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cho biết, thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, đến nay, TPHCM đã bố trí 31 lượt cán bộ giữ chức bí thư quận ủy, huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức và 31 lượt chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức không là người địa phương.

TPHCM cũng chú trọng bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường, xã không là người địa phương. Hiện 312/312 bí thư đảng ủy và 308/312 chủ tịch phường, xã, thị trấn không là người địa phương. Qua rà soát, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM ghi nhận có 18/22 quận, huyện, TP Thủ Đức đã hoàn thành chủ trương trên.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, công tác bố trí cán bộ không là người địa phương trong thời gian qua của thành phố đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ. Nội dung này được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và các cấp ủy quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu, tuân thủ nghiêm quy trình và các bước triển khai thực hiện. 

Cùng với đó, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, sử dụng cán bộ vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vừa bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Các cấp ủy Đảng thường xuyên theo dõi sát tình hình số cán bộ được bố trí để giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt năng lực, sở trường và hoàn thành nhiệm vụ.

Phát huy những thuận lợi trên, TPHCM tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, quan tâm bố trí cán bộ theo đúng chuyên môn, phát huy năng lực, sở trường kinh nghiệm công tác; đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ gắn với công tác đánh giá cán bộ.

TPHCM cũng tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo định kỳ hàng năm gắn với công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng của cán bộ nhằm phát hiện nguồn cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bố trí cán bộ quy hoạch gắn với việc chuẩn bị nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030.

Thuận lợi trong lãnh đạo, điều hành

Ghi nhận tại một số địa bàn dân cư cũ, sinh sống theo gia đình, dòng họ lâu năm và những địa bàn chủ yếu là dân nhập cư cho thấy, các địa phương rất chú trọng đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả và đúng chủ trương. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 11 Nguyễn Tăng Minh cho biết, Đảng bộ quận 11 có 40 cơ sở Đảng, với 4.802 đảng viên. Tình hình nhân sự cấp ủy ở các cơ sở Đảng hiện nay cơ bản đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị hiện nay của từng cơ sở Đảng.

Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 26, Ban Thường vụ Quận ủy quận 11 đã chủ động bố trí, luân chuyển cán bộ các phường khi có trường hợp là người địa phương. Đến nay, không có trường hợp nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp quận và 16 phường là người địa phương. Theo Quận ủy quận 11, việc điều động, bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương khá thuận lợi, không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của 16 phường. 

Tương tự, một số địa phương như TP Thủ Đức, các quận, huyện 1, 3, 4, 7, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè… cũng khẳng định thuận lợi trong việc bố trí các chức danh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận, huyện, phường, xã không là người địa phương.

Tại huyện Hóc Môn, ngoài người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, Huyện ủy huyện Hóc Môn cũng chủ động bố trí một số chức danh quan trọng khác không là người địa phương, như Trưởng Công an huyện, Chánh án TAND huyện, Viện trưởng Viện KSND huyện, Chánh Thanh tra huyện. Đối với cấp xã, hiện có 11 bí thư Đảng ủy và 12 chủ tịch UBND xã, thị trấn không là người địa phương.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Thị Hồng Thu nhận xét, việc bố trí các chức danh trên không phải là người địa phương đảm bảo được sự lãnh đạo, chỉ đạo khách quan, dân chủ, toàn diện. Tuy nhiên, việc bố trí Trưởng Phòng Tổ chức - Kế hoạch và Chánh Thanh tra huyện gặp khó khăn vì đa số cán bộ huyện là người địa phương của huyện, và các vị trí này đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn.

Dù vậy, các địa phương cho rằng, chủ trương bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương cần phải có đủ thời gian để cán bộ rèn luyện và cống hiến. Bởi khi cán bộ từ nơi khác đến nhận nhiệm vụ sẽ cần thời gian làm quen địa bàn, làm quen phong tục, tập quán của người dân, sau đó mới phát huy được năng lực và ghi được dấu ấn của mình.

Sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh trực thuộc Trung ương. Đến tháng 8-2022, cả nước có 36/63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương. Nhiều tỉnh, thành cũng đã bố trí bí thư cấp huyện không phải là người địa phương đạt tỷ lệ cao; trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Bình, Hà Giang, Sơn La đã bố trí 100% bí thư cấp huyện không phải là người địa phương.

Tin cùng chuyên mục