Trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP về tình hình cung ứng điện từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hệ thống hiện vẫn còn 20% công suất dự phòng, trong khi dự báo mức tăng phụ tải điện chỉ 10%. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm:
Nhìn chung tình hình cấp điện năm nay không có vấn đề gì. Tuy nhiên do lưới điện của ta có đặc thù phần lớn nhà máy điện nằm ở miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Nam ít nguồn điện mới cho nên có thể trong những năm tới - nhất là năm 2017, 2018 - có thể có thiếu điện cục bộ ở một số địa phương phía Nam. Sẽ cần phải đưa điện từ miền Bắc vào thông qua đường dây 500kV. Nhìn thấy trước điều này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành điện và các cơ quan có liên quan thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về cung ứng điện.
Lượng điện mua của nước ngoài giảm dần
- Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp, chúng ta đã dự liệu khả năng nguồn điện mua từ Trung Quốc biến động như thế nào?
>> Bộ trưởng VŨ HUY HOÀNG: Điều này chúng tôi đã tính toán. Thực tế, lượng điện mua từ bên ngoài đang giảm dần, vì nguồn phát điện trong nước tăng lên. Trước đây có thời điểm chúng ta mua đến 4-5 tỷ kWh/năm từ Trung Quốc, nhưng năm 2013 con số này chỉ khoảng 2 tỷ kWh. Nhưng phải thấy rằng việc mua điện của Trung Quốc không hoàn toàn vì chúng ta cần phải mua. Trong kế hoạch kết nối giữa ASEAN với Trung Quốc và kết nối tiểu vùng Mê Kông mở rộng có cả kết nối về hệ thống điện và chúng ta đã xây dựng đường dây 220kV, tiến tới xây dựng đường dây 500kV nối giữa Việt Nam - Lào - Campuchia với phía Nam Trung Quốc. Kết nối này giúp chúng ta trong những thời điểm dư thừa có thể bán điện, lúc có nhu cầu mới mua. Kết nối lớn này còn giúp các nước tham gia giảm được rủi ro về điện, vì không ai có thể nói một cách chắc chắn rằng lưới điện của mình không có lúc xảy ra sự cố lớn, buộc phải mua từ bên ngoài.
Hơn nữa, tôi cho rằng quan hệ kinh tế đều có lợi cho cả các bên, chúng ta vẫn chủ trương duy trì quan hệ kinh tế bình thường với Trung Quốc.
- Mặc dù thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành từ năm 2012 và từ đó đến nay vẫn có lúc, có nơi xảy ra tình trạng thiếu điện, song một số nhà máy điện vẫn phàn nàn rằng điện của họ làm ra không bán được?
Thị trường phát điện cạnh tranh đã bắt đầu vận hành từ ngày 1-7-2012, theo đó các nhà máy điện đều được tham gia, ai chào giá thuận lợi thì được ưu tiên mua trước, giá không thuận lợi thì mua sau, nếu vẫn có nhu cầu. Ở đây không có sự phân biệt hay không bình đẳng. Nhưng đúng là có một số nhà máy thủy điện nhỏ, công suất dưới 30MW quả thực gặp khó khăn vì giá mua điện của EVN chưa được như giá họ mong muốn. Các nhà máy này được xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2012, lúc lãi suất vay vốn ngân hàng rất cao, khác với lúc tính toán trước khi xây dựng dự án (2008 - 2009). Thông số đầu vào vì thế bị thay đổi, thông số đầu ra cũng đội lên. Chúng tôi sẽ từng bước xem xét điều chỉnh giá mua điện của các nhà máy này, tạo thuận lợi cho họ, đồng thời cũng không để cho tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện khó khăn vì phải mua điện với giá cao hơn.
Tăng tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo
- Có ý kiến cho rằng cơ cấu ngành năng lượng của chúng ta hiện vẫn lệ thuộc quá lớn vào nhiên liệu hóa thạch, Bộ trưởng có bình luận gì?
Đây là ý kiến có cơ sở. Xu hướng của thế giới càng ngày càng chú trọng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Mặt khác, nguồn nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam cũng đang cạn kiệt dần, cho nên việc đa dạng hóa cơ cấu thị trường năng lượng là điều phải làm. Theo Chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ tăng dần tỷ trọng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo để đến năm 2030 chiếm trên 10% năng lượng sơ cấp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tỷ lệ này có thể phải cao hơn nữa. Trong đó, nguồn năng lượng hạt nhân cũng cần được chú trọng. Dù có những yêu cầu rất khắt khe về an toàn và đảm bảo vận hành, nhưng đó là nguồn năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm, công suất lớn. Trong khi phải rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời… mới có công suất bằng 1 nhà máy nhiệt điện hiện nay, thì với một nhà máy điện hạt nhân chúng ta có thể có 4.000 - 5.000 MW tập trung tại một địa bàn.
- Nhưng vừa qua, Chính phủ đã quyết định hoãn tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân?
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo yêu cầu của Quốc hội là phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại, có kiểm chứng và an toàn tuyệt đối, nhất là sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản. Rà soát lại toàn bộ quá trình chuẩn bị, Chính phủ thấy cần phải nghiên cứu thêm, cả về địa điểm, về khả năng tác động toàn diện của các hiện tượng thời tiết cực đoan, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy… để bổ sung, hoàn chỉnh. Đó là bước đi thận trọng cần thiết.
Mặt khác, các dự án phát triển nguồn điện đã có cũng giúp tình hình cung ứng điện khá khả quan. Tóm lại, không phải chúng ta không làm, đây là việc tất yếu phải làm, chỉ là điều chỉnh để đảm bảo dự án được thực hiện tốt nhất.
- Cảm ơn Bộ trưởng!
| |
ANH THƯ (thực hiện)