Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn

Sáng nay, 24-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn

(SGGPO).- Sáng nay, 24-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người điều hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ tập trung trả lời một vấn đề: Nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo, đáp ứng chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền Giáo dục - Đào tạo như tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng. Đặc biệt Bộ Giáo dục - Đào tạo cần chỉ ra những giải pháp cụ thể cải thiện chất lượng giáo dục, tạo sự thay đổi ngay trong năm 2012.

Các chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ yếu xoay quanh chất lượng giáo dục đại học, dạy thêm-học thêm, lạm thu trong trường học, chất lượng giáo dục trung học phổ thông.

  • Giáo dục đại học: Nhiều yếu kém

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) hỏi: Bộ trưởng nói đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh, số trường đại học thành lập mới đã giảm, thế nhưng vẫn còn rất nhiều trường khó tuyển sinh trong khi học sinh đổ xô đi học nước ngoài.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu thực trạng phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều vào đại học (nếu không chính quy thì dân lập, đào tạo từ xa).

Số sinh viên ra trường khá giỏi chiếm tỷ lệ rất cao, nhưng thực tế chất lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng thấp, nhiều đại học cung cấp “hàng kém chất lượng” cho xã hội? Giải pháp nào để cải thiện thực trạng này ngay trong năm học tới?”, đại biểu Lê Nam phát biểu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn

Trả lời xoay quanh vấn đề giáo dục đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định số trường đại học thành lập đã giảm dần trong mấy năm gần đây. Chưa có trường đại học nào được mở ngoài quy hoạch. Nếu theo quy hoạch, vẫn chưa đủ trường, nhưng lại thừa các trường yếu kém. Chính phủ đã chỉ đạo rà soát để tính toán, điều chỉnh quy hoạch, củng cố các trường yếu kém. Nếu không củng cố được thì dừng tuyển sinh, giải thể.

Lý giải về việc nhiều trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu, Bộ trưởng cho rằng tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, chủ yếu các trường mới thành lập. Nguyên nhân là do một số ngành học tuy nhu cầu của xã hội có nhưng đầu ra khó khăn (việc làm, chế độ) nên thí sinh không thích học (như sư phạm, nông lâm, khoa học cơ bản, khoa học xã hội). Một số trường mới thành lập không thực hiện đúng điều kiện cam kết thành lập trường (thiếu giáo viên, cơ sở vật chất kém) nên học sinh cũng không vào.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên)

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên)

Ngoài ra, trên cùng địa bàn nhưng các trường mở ngành giống nhau nên bị phân tán thí sinh. Mặt khác, sau khi bắt buộc phải thực hiện công khai về điều kiện đào tạo nên thí sinh chỉ lựa chọn những trường đào tạo có chất lượng, các trường không bảo đảm điều kiện đào tạo bị thí sinh từ chối.

“Khi không tuyển đủ, các trường đề nghị Bộ hạ điểm sàn nhưng Bộ kiên quyết không hạ để bảo đảm chất lượng tối thiểu đầu vào”, Bộ trưởng cho biết.

Về việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng điều này đã có từ lâu. Càng hội nhập, điều kiện của người dân càng cao thì nhu cầu đi học càng lớn là dấu hiệu của thành quả đổi mới. Ngược lại, nhiều sinh viên nước ngoài cũng đến Việt Nam học.

Về các giải pháp nâng cao chất lượng đại học, Bộ trưởng cho hay hiện đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các trường đại học mới thành lập, trước mắt là các trường mới thành lập 10 năm trở lại đây, từ đó củng cố, nâng cao chất lượng của các trường. “Năm rồi Bộ đã kiểm tra 5 trường thì thấy có rất nhiều bất cập, từ nay đến hết năm 2011 Bộ sẽ kiểm tra 20 trường nữa. Sẽ không có tăng nóng chỉ tiêu tuyển sinh như trước, đồng thời bảo đảm điều kiện đào tạo của các trường để nâng cao chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh phi chính quy. Tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ, liên kết với các trường cùng hệ thống để hỗ trợ đào tạo lẫn nhau” - Bộ trưởng hứa. Bên cạnh đó, gắn đào tạo theo nhu cầu, không để trường tự đào tạo theo năng lực.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn: Bộ nói kiểm tra nhiều trường không bảo đảm chất lượng, tại sao vẫn cho đào tạo, trách nhiệm của ai? Bộ trưởng nói “Hiện chưa phát hiện cơ quan quản lý nào sai phạm nên chưa có xử lý. Nhưng có những sai sót trong kiểm tra, đoàn kiểm tra xuống thì trường dẫn đến một cơ sở khác.

"Bộ sẽ kiểm tra lại và xin rút kinh nghiệm trong quá trình thanh tra sau này”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đều chất vấn về chất lượng giáo dục đại học ngoài công lập, dẫn đến sự phân biệt đối xử như vừa qua ở một số địa phương.

“Bộ Giáo dục - Đào tạo không có sự phân biệt giữa các loại hình đào tạo đại học nhưng việc một số địa phương không công nhận bằng do đại học ngoài công lập cấp là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với ngành. Cùng với nâng cao chất lượng thì phải thay đổi phương thức tuyển dụng một cách thực chất”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về các lớp tại chức được mở tràn lan, thiếu chất lượng, Bộ trưởng nói: “Hệ tại chức bản thân nó không có lỗi. Nhiều lãnh đạo, Giáo sư cũng trưởng thành từ tự học. Lỗi là do công tác quản lý còn yếu kém, tâm lý chạy theo bằng cấp. Bộ sẽ chấn chỉnh các lệch lạc, yếu kém”.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) và một số đại biểu hỏi mặt bằng giáo dục đại học của Việt Nam thấp so với nhiều nước. Bộ trưởng có ý tưởng gì để đột phá? Tới đây tái cấu trúc giáo dục theo hướng nào?

“Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đúng là còn thấp, khiếm khuyết, đòi hỏi có những giải pháp. Tái cấu trúc sẽ giáo dục – đào tạo theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục – đào tạo cả về đội ngũ, chương trình. Hiện Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thảo luận, nghiên cứu, phối hợp thành lập các nhóm nghiên cứu về các nội dung đổi mới để trình Trung ương. Các đề án về đổi mới sách giáo khoa, trường sư phạm cũng đang được triển khai”, Bộ trưởng đáp.

  • Nghi ngờ chất lượng giáo dục phổ thông

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) chất vấn về tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao ngất ngưởng, vừa qua, có hàng trăm trường có học sinh tốt nghiệp 100%, trong khi môn Sử thì kết quả quá thấp với hàng ngàn điểm O.

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết bản thân ngành giáo dục cũng nhận thấy kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông quá cao là có vấn đề.

“Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra sự bất thường này. Tuy nhiên qua kiểm tra các địa phương thì kết quả năm 2011 về cơ bản là phù hợp với tính chất đề thi, với tinh thần thi đua dạy và học tốt. Với đề điểm Sử thấp, khi nhận ý kiến về đề thi, Bộ cho kiểm tra lại và sẽ thay đổi cách dạy, cách học trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Minh Diệu chất vấn tiếp: Tôi thông cảm với ngành vì khó. “Nhưng thật khó chấp nhận kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao như vừa qua, nhất là giáo dục thường xuyên nhiều nơi cũng đỗ 100%. Hay điểm Sử thấp vì đâu? Học sinh học sử không đến nỗi, học sinh giỏi quốc gia môn Sử không ít. Nhưng có nhiều học sinh học Sử giỏi nhưng thi đại học vẫn điểm kém, phải chăng do đề thi-đáp án môn Sử có vấn đề, xa rời thực tiễn?”.

“Xin ghi nhận ý kiến của đại biểu”, Bộ trưởng đáp. 

  • Giáo dục mầm non: Thiếu công bằng

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng bậc học mầm non hiện nay còn nhiều khó khăn, nhất là thu nhập của giáo viên rất thấp, rất thiếu công bằng. Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) dẫn chứng từ 2008 đến nay, giáo viên mầm non vẫn chưa được hưởng chế độ tăng phụ cấp theo quy định của Thủ tướng. “Đại biểu đã chất vấn, nhưng qua một năm, Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn chưa giải quyết xong. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”, đại biểu Long chất vấn.

Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai)

Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai)

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đã tiến hành phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, còn mầm non thì chưa. “Chúng tôi có thiếu sót là nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của bậc học này, nên giờ mới tiến hành phổ cập mầm non 5 tuổi. Lương của giáo viên mầm non cũng thấp hơn”, ông Luận thừa nhận.

"Tới đây sẽ có nhiều chính sách đối với với bậc học này, trong đó có việc hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm vì vẫn chưa thực hiện được yêu cầu chất vấn. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ liên quan ra chính sách hỗ trợ một lần đối với đối tượng này, xin hứa năm 2012 sẽ giải quyết xong”, Bộ trưởng trả lời.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải thực hiện xong việc này trong năm tới.

“Thang bậc lương của giáo viên hiện nay đúng là chưa bảo đảm cuộc sống, nhất là mầm non, tiểu học. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đề xuất Bộ Nội vụ, Bộ Lao động thương binh và xã hội xem xét vấn đề tiền lương vào đề án cải cách tiền lương sắp tới”, ông Luận nói thêm.

Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) cho rằng điều lệ mầm non quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên nhưng rất ít trường thực hiện, gây khó khăn rất lớn cho công nhân khu công nghiệp. “Giáo viên mầm non công lập vừa phải giảng dạy, vừa phải lao động phục vụ các cháu vì chức danh bảo mẫu hiện nay không còn?”, đại biểu Ánh hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, điều lệ quy định như vậy nhưng thực tế có nhiều khó khăn. Hiện chưa đủ trường mầm non, kể cả lớp 4, 5 tuổi. “Tôi biết điều đó. Nhưng theo phân cấp giáo dục mầm non thuộc trách nhiệm của tỉnh. Bộ Giáo dục – Đào tạo chịu trách nhiệm phổ cập 5 tuổi. Đối với lứa tuổi từ 3 tháng đến 1,5 tuổi, Bộ đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, thành lập các nhóm trẻ, ban hành chế độ cho cô giáo, bảo mẫu mầm non, khuyến khích doanh nghiệp cùng xây dựng nhà trẻ mầm non”, ông Luận nói. Về chức danh bảo mẫu, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ thảo luận với Bộ Nội vụ xem xét.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: Cách điều hành ngày đầu tiên của ông được một số đại biểu góp ý là cắt ngắn phần hỏi - đáp. Ông yêu cầu đại biểu hỏi ngắn gọn, thẳng vào vấn đề.

Sáng nay, có 39 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Theo kế hoạch, Bộ trưởng chỉ trả lời đến 10h30 phút, nhưng do Giáo dục - Đào tạo là lĩnh vực được quan tâm nên Chủ tọa đã xin Quốc hội kéo dài đến 11h trưa.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá buổi chất vấn phong phú, thẳng thắng, sôi nổi.

Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Luận khá dài, chủ yếu nêu thực trạng, nguyên nhân mà không đưa ra giải pháp cụ thể. Phần trả lời của Bộ trưởng thường xuyên bị Chủ tịch yêu cầu đi thẳng vào trọng tâm, không vòng vo. “Bộ trưởng phải khẳng định thì mới tìm ra nguyên nhân được, từ đó mới tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục được”, Chủ tịch Quốc hội nhắc. Chủ tọa luôn phải nhắc lại tinh thần câu hỏi của đại biểu và đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng câu hỏi của đại biểu. Nhiều câu hỏi Bộ trưởng đã trả lời nhưng lại bị chủ tọa yêu cầu trả lời lại, tuy vậy, trả lời của Bộ trưởng vẫn chưa làm hài lòng đại biểu Quốc hội.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định: hệ thống ngân hàng vẫn đang hoạt động khá hiệu quả

Thành viên Chính phủ khép lại phiên chất vấn chiều nay 24-11 là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ông được yêu cầu giải trình về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; điều hành lãi suất; các biện pháp quản lý thị trường vàng, ngoại hối.

  • Chỉ 5% số ngân hàng cổ phần hoạt động chưa tốt

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt câu hỏi rất cụ thể: hiện tại, có bao nhiêu ngân hàng bị xếp loại yếu kém và phương án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước cụ thể như thế nào. 

Nhận định khái quát rằng hệ thống ngân hàng của ta về cơ bản vẫn đang hoạt động hiệu quả, có sức đề kháng tương đối tốt – bằng chứng là đã trụ vững trong bối cảnh khó khăn toàn cầu như vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 37 ngân hàng cổ phần đang hoạt động, có thể chia ra làm nhiều loại: ngân hàng rất lành mạnh; ngân hàng trung bình; ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động tốt; ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa được lành mạnh. Nhóm cuối cùng – là nhóm đáng lo ngại – chỉ có 8 ngân hàng, chiếm khoảng 5%. 

“Đề án tái cấu trúc đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, nhưng đây là vấn đề khá nhạy cảm nên chưa thể công bố rộng rãi và cụ thể”, vị “Tư lệnh” ngành ngân hàng cho biết. Thống đốc thông báo thêm, dự kiến trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh ở tầm khu vực; 10 – 15 ngân hàng đủ sức làm trụ cột cho nền kinh tế. Vừa qua việc Vietcombank phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế với giá cao (và Vietinbank cũng đang được nhiều đối tác quốc tế chào mua) được Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình coi là tín hiệu cho thấy mức độ tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. 

“Nên nhìn nhận việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là việc làm bình thường và việc làm này sẽ được tiến hành thận trọng, đánh chuột nhưng không làm vỡ bình; hay nói như anh Bá Thanh (ĐB thành phố Đà Nẵng - PV) là phun thuốc trừ sâu để giết sâu nhưng không làm chết lúa”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình “chốt” lại.

  • Lãi suất gửi tiền 14%/năm hiện nay là phù hợp

Cho rằng mức trần lãi suất tiền gửi 14%/năm là bất hợp lý vì thấp hơn so với lạm phát, thiệt thòi cho người gửi tiền, các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Lê Văn Lai (Quảng Nam)… yêu cầu Thống đốc làm rõ những căn cứ cho quyết định này. Ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận, trong những tháng đầu năm nay, khi lạm phát tăng cao, việc giữ nguyên trần lãi suất này là kém linh hoạt, phần nào khiến cho người gửi tiền bị thiệt.

“Tuy nhiên, trần lãi suất được xây dựng trên cơ sở kỳ vọng về lạm phát, mà lúc đó chúng ta dự kiến lạm phát chỉ ở mức 7%/năm mà thôi. Từ tháng 8 trở lại đây, lạm phát đã giảm, dự kiến trong năm tới dưới 10% - như chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua. Cho nên trong tình hình hiện tại thì trần lãi suất tiền gửi 14%/năm là đúng và tích cực”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích. Ông nói thêm, nếu tháng 11 lạm phát dưới 1% (thực tế là 0,39%- PV) thì tới đây có thể giảm tiếp lãi suất huy động và cả bộ lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, tránh để nền kinh tế rơi vào suy thoái, trì trệ.

  • Bình ổn giá vàng – “sáng kiến” vì một nhóm lợi ích? 

Đây là câu hỏi khá gai góc mà ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã bấm nút lần thứ hai để nhắc Thống đốc “đừng quên”. Chia sẻ quan điểm với ông Trần Ngọc Vinh về những bất cập trong quản lý thị trường vàng còn có các ĐB Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp), Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM)… 

ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) phản ánh, việc “siết” tín dụng có phần quá tay vô hình trung tạo ra một loại tội phạm mới cấu kết với ngân hàng cho vay tín dụng “đen”, chiếm hoặc mua rẻ những dự án gặp khó khăn do thiếu vốn. Bà Hoàng Yến muốn biết quan điểm xử lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thực trạng này. 

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) mong đợi một thông điệp chính thức từ người đứng đầu ngành ngân hàng về chính sách lãi suất thực dương để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn tính toán phương án sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Một số đại biểu khác bày tỏ lo ngại về nợ xấu, nợ khó đòi của các ngân hàng, đặc biệt là phần vốn đã giải ngân vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; chính sách hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo vay vốn. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn về trách nhiệm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phòng chống tham nhũng... 

Sáng mai, 25-11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình được dành 1,5 tiếng đồng hồ để trả lời tiếp các chất vấn mà 16 vị đại biểu đã nêu ra cho ông. Cũng trong sáng mai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

ANH THƯ

Ngân hàng Nhà nước đang giám sát chặt những ngân hàng yếu kém

Chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã gửi văn bản trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó đã chỉ rõ các giải pháp đang được thực hiện nhằm tái cơ cấu ngân hàng và đảm bảo vốn cho sản xuất. Văn bản khẳng định, khẳng định sẽ không để xảy ra đổ vỡ, rối loạn trong quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo Thống đốc, quá trình tái cơ cấu sẽ trải qua 3 bước mà trước hết là đảm bảo khả năng chi trả cho từng ngân hàng. Tiếp đó, sẽ tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án được duyệt. Cuối cùng, cơ quan quản lý sẽ chủ trì việc bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém, xây dựng phương án xử lý với từng đơn vị. Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại quốc doanh và cổ phần lớn hỗ trợ các ngân hàng nói trên trong việc đảm bảo thanh khoản, xây dựng phương án tái cấu trúc.

Về công tác quản lý, thanh tra, giám sát, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang phối hợp với Cơ quan công an điều tra, xác minh, làm rõ một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến cán bộ ngân hàng để xử lý nghiêm.

Về xử lý các vi phạm trần lãi suất huy động, Thống đốc cho biết đã ban hành Chỉ thị 02, trong đó kiên quyết đình chỉ, miễn nhiệm 3 năm với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng vi phạm trần 14%. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ bị hạn chế hoặc đình chỉ hoạt động huy động, cho vay, hạn chế mở chi nhánh trong vòng một năm nếu vi phạm quy định này.

Cụ thể, trong thời gian qua cơ quan quản lý đã xử lý 2 ngân hàng vi phạm, trong đó yêu cầu cách chức, buộc thôi việc một phó tổng giám đốc, cách chức một giám đốc chi nhánh và buộc thôi việc tổng cộng 11 cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý, trong đó yêu cầu tổ chức tín dụng giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất, tiết kiệm chi phí, bớt lợi nhuận để giảm dần lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn cũng được hỗ trợ về thanh khoản, ưu tiên về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu và hỗ trợ (tái cấp vốn) tổ chức tín dụng tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 sẽ được giữ ở mức 12% để tạo đà cho tăng trưởng 15-17% trong những năm tới. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ giữ ổn định lãi suất điều hành và chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm dần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Nếu lạm phát có xu hướng giảm và ổn định, cơ quan điều hành sẽ xem xét giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm, tín dụng cho khu vực sản xuất tăng 15,7%, chiếm tỷ trọng 85% tổng dư nợ. Tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn tăng 24%, cho xuất khẩu tăng 58%. Từ tháng 9, lãi suất cho vay thông thường đã giảm xuống còn 17-19%, lĩnh vực ưu tiên là 15-18%. Cá biệt có những trường hợp vay để khắc phục hậu quả thiên tai hoặc doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ chỉ phải vay với lãi suất 13,5-14,5%.

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục