Chiều 27-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã bày tỏ quan điểm về ý kiến của các ĐBQH trước tình trạng tai nạn giao thông vẫn nhức nhối.
* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ gì về việc ĐBQH nói đến việc bỏ phiếu tín nhiệm những bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ?
* Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG: Điều này luật đã có rồi. Tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề. Những giải pháp chúng tôi đang triển khai là thực hiện nghị quyết của Chính phủ về giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) chứ không phải sáng kiến mới của Bộ GT-VT. Tôi rất đồng tình với ĐB Lê Thị Nga cho rằng Quốc hội cần có một nghị quyết về giám sát tối cao và có một nghị quyết để toàn dân, toàn hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết vấn đề giao thông. Để giải quyết hết TNGT thì không thể khả thi, nhưng sẽ giảm được nếu cả nước vào cuộc quyết liệt.
* Một trong những nguyên nhân của vấn nạn giao thông là do kiểm soát, sát hạch bằng cấp lái xe còn nhiều lỗ hổng?
* Bộ GT-VT đã giải tán 3 trung tâm đào tạo lái xe rồi. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực. Những người thực thi công vụ phải gương mẫu. Nếu có thông tin ai tiêu cực tôi sẽ đuổi ngay!
* Bộ trưởng xác định sẽ thay đổi giờ làm trên diện rộng, tuy nhiên TP Hà Nội lại cho rằng cần phải thí điểm trước?
* Đấy là ý kiến của Hà Nội. Còn về phía Bộ GT-VT, chúng tôi đã trình phương án lên Chính phủ rồi, việc thực hiện sẽ theo chỉ đạo của Chính phủ. Có ý kiến nói Bộ và Hà Nội thiếu thống nhất. Cả Bộ GT-VT và Hà Nội đều cùng mục đích chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu TNGT, như vậy làm sao không thống nhất được. Vấn đề ở chỗ phải có bước đi cụ thể. Tôi nói rồi, Bộ GT-VT không tự điều chỉnh, chỉ có quyền báo cáo, Thủ tướng Chính phủ mới quyết định. Bộ không có quyền quyết định thay đổi giờ làm việc.
* Trước khi đưa ra giải pháp thay đổi giờ làm, Bộ GT-VT đã có điều tra, khảo sát cụ thể vấn đề giao thông Hà Nội?
* Để làm việc này đã có cả một đề án cụ thể, có nghiên cứu khoa học và cả thực tiễn từ bao nhiêu năm qua rồi. Không có chuyện hôm nay thích lên hay hứng lên quy định giờ này, mai lại đổi giờ khác. Sẽ có nhiều ý kiến phản biện nhưng phải chấp nhận hy sinh “lợi ích nhóm” để phục vụ cộng đồng. Ví dụ nói chuyện ảnh hưởng đến giờ giấc công chức nữ đi làm, đó chỉ là số nhỏ công chức nữ so với hàng triệu công nhân lao động. Công nhân cũng làm theo ca, theo kíp, vậy ai chăm con, họ không phải là mẹ sao?
* Ông có lạc quan Hà Nội và TPHCM sẽ hết tắc đường nếu triển khai các giải pháp này?
* Các giải pháp vừa lâu dài vừa trước mắt. Nhưng kể cả các giải pháp trước mắt cũng phải tổng thể chứ không chắp vá. Nhưng để giải quyết cơ bản ùn tắc tại Hà Nội, TPHCM phải đầu tư xây dựng các phương tiện chuyên chở lớn, đó là tàu điện ngầm và đường sắt trên cao. Nhưng điều này lại phải có tiền, thời gian.
* Theo ông vì sao nhiều năm qua chúng ta cũng làm nhưng TNGT chưa giảm bao nhiêu?
* Vì các giải pháp chưa đồng bộ và chưa quyết liệt. Lỗi tại cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GT-VT và người tham gia giao thông.
* Vậy Bộ trưởng cần bao nhiêu thời gian để ông giải quyết được việc này?
* Với điều kiện mọi người phải vào cuộc và phải đồng thuận. Chứ nếu đưa ra một giải pháp nhưng cứ bàn việc dừng lại thì làm sao thực hiện được. Ở một số nước họ cấm triệt để xe máy chẳng hạn. Còn ở ta, cứ đưa giải pháp ra lại có ý kiến cho rằng đụng đến quyền công dân.
LÂM NGUYÊN ghi
Hôm qua, Bộ GT-VT có Văn bản số 6956/BGTVT-VT gửi Thủ tướng đề xuất phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm việc tại Hà Nội, theo 2 phương án. Phương án 1, giờ làm việc của cán bộ, công chức cơ quan TƯ: 9 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; cán bộ công chức Hà Nội: 8 giờ 30 - 12 giờ và 13 giờ - 17 giờ 30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 30; học sinh THPT: 7 giờ - 11 giờ và 12 giờ 30 - 16 giờ 30; sinh viên khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân: 6 giờ - 11 giờ và 12 giờ - 17 giờ; sinh viên khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng: 7 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; các trung tâm kinh doanh thương mại: 9 giờ 30 - 23 giờ. Phương án 2, giờ làm việc của cán bộ, công chức cơ quan TƯ: 9 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; cán bộ, công chức Hà Nội: 8 giờ 30 - 12 giờ và 13 giờ - 17 giờ 30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ 30; học sinh THPT: 7 giờ - 11 giờ và 12 giờ 30 - 16 giờ 30; sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân: 7 giờ - 12 giờ và 13 giờ - 18 giờ; sinh viên quận Đống Đa, Hai Bà Trưng: 8 giờ - 13 giờ và 14 giờ - 19 giờ; các trung tâm kinh doanh thương mại mở cửa từ 9 giờ 30 - 23 giờ. Với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Bộ GT-VT khuyến khích bố trí giờ làm việc tránh giờ cao điểm. B.QUYÊN |
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Cần nghị quyết riêng về giao thông
Tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này. Hàng năm đại đa số cán bộ, công chức của những cơ quan có trách nhiệm về an toàn giao thông đều được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này…
Tình hình hiện đã tương xứng với tình trạng khẩn cấp nên cần thực hiện ngay những biện pháp hành chính mạnh. Chúng tôi đề nghị ngay từ đầu khóa XIII cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về nội dung này và có nghị quyết riêng để tạo căn cứ pháp lý, thậm chí có thể phải hạn chế quyền của một số tổ chức vì tôn nghiêm và lợi ích của cộng đồng. Phải cho phép Hà Nội và TPHCM được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết sớm vấn đề giao thông của hai TP. Nếu không dùng biện pháp mạnh, chúng ta lại bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết của năm sau.
H.MY (ghi)
Bộ trưởng Bộ Y tế nói về những lùm xùm của lãnh đạo ngành dược: Chờ kết luận của cơ quan điều tra
Liên quan đến vụ lùm xùm bằng Tiến sĩ của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang (ông Quang tự nhận là có bằng Tiến sĩ dược học tại Thụy Điển nhưng bị tố cáo gian lận văn bằng) và các doanh nghiệp dược tố cáo Cục trưởng Cục Quản lý dược, bên hành lang Quốc hội ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Việc liên quan đến Thứ trưởng Cao Minh Quang, Ủy ban Kiểm tra TƯ đang làm, vì thế hiện nay Bộ Y tế chưa thể đưa ra bất kỳ thông báo nào. Bộ Y tế cũng không có thông tin chính xác vì đang phải đợi cơ quan chức năng hoàn tất điều tra. Bộ Y tế cũng không được các cơ quan điều tra cung cấp thông tin. Còn việc Bộ GD-ĐT khẳng định bằng của ông Quang không phải bằng tiến sĩ, đó là Bộ GD-ĐT trả lời ông Quang.
Đối với việc 8 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm phía Nam tố cáo Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường, hiện Thanh tra Chính phủ đang làm. Trong thời gian Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra TƯ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C47) Bộ Công an, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban quốc gia phòng chống ma túy đang làm nên Bộ Y tế chưa thể đưa ra kết luận.
PH.THẢO