Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Kéo chợ về vườn

Sáng 5-7, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai các giải pháp trong 6 tháng cuối năm của ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm một vườn vải thiều của bà con nông dân ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhân mùa vải 2023

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm một vườn vải thiều của bà con nông dân ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhân mùa vải 2023

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trên dưới 120 ngày làm việc còn lại của năm 2023 cho thấy thời gian đang cạn dần, mà vẫn còn bao việc ngổn ngang.

“Điều đó cho thấy mỗi cán bộ, công chức cần có kế hoạch làm việc hợp lý, phân phối, sắp xếp thời gian hiệu quả, để mỗi ngày trôi qua không bị lãng phí. Khối lượng công việc có bao giờ dừng lại ở con số cố định, chờ đợi chúng ta hoàn thành, mà liên tục phát sinh những vấn đề mới, hàng giờ hàng ngày, trên từng cánh đồng, trên từng thửa ruộng, bờ ao…", ông Lê Minh Hoan bày tỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, từ khóa của hội nghị sơ kết hôm nay là “giải pháp”. Mong rằng, các “giải pháp” sẽ sớm được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả trên thực tiễn quản trị, điều hành sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp. “Có thể nhưng khó quá”, hay “khó quá nhưng có thể”, mỗi người có cách tiếp cận của riêng mình, nhưng nên nhớ rằng nhiều việc trông có vẻ bất khả thi, cho đến khi chúng ta làm được điều đó.

Đề cập tới những giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước; cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản đa giá trị; tận dụng các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác. Gần đây, tỉnh Bắc Giang của Việt Nam chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

“Đây là một gợi ý để không chỉ bà con nông dân Bắc Giang, mà nhiều địa phương khác của Việt Nam, có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương, của quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.

Theo ông Hoan, các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là “chiếc cầu” để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống, quen thuộc lâu nay.

“Song song với việc chuyển nông sản đến với chợ, đến thị trường, thì giờ đây, nhiều nơi đang chủ động, mạnh dạn đưa chợ, đưa thị trường, mời người tiêu dùng, mời du khách về với vườn ruộng của mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục