Dành 18 phút phát biểu giải trình nội dung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường tại hội trường Quốc hội sáng nay, 1-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPT-NT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: thời gian qua, biến đổi khí hậu cực đoan hơn, dị thường hơn, gay gắt hơn, do vậy tái cơ cấu nông nghiệp phải coi đây là nguyên tắc cơ bản để thích ứng khi xây dựng các ngành hàng chủ lực.
Một nguyên tắc quan trọng khác chính là độ mở về thị trường trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. “Chúng ta đã xuất khẩu nông sản đi hơn 180 nước, do vậy phải chấp nhận độ mở về thị trường. Nếu quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực... để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường cả xuất khẩu và trong nước...
Ví dụ, tại ĐBSCL chúng ta phát triển 2 ngành hàng là tôm, cá; các tỉnh thành khác cũng đều có thể phát triển các sản phẩm đặc sản chủ lực của địa phương như: cam Cao Phong (Hòa Bình), nhãn lồng (Hưng Yên), xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), vải thiều (Lục Ngạn), nho (Ninh Thuận),...” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp được sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhân dân như giai đoạn này. Theo người đứng đầu ngành NNPT-NT, hiện nay các ngành hàng lớn đều đã có các doanh nghiệp lớn, làm rường cột để phát triển thị trường nông sản (sữa, cà phê, thủy sản…).
Liên quan đến vấn đề phân bón, Bộ trưởng cho biết đã phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng Nghị quyết của Chính phủ nhằm tăng cường quản lý mặt hàng đặc biệt này.
“Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ một Nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón với chế tài mạnh, thậm chí nơi nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất; đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, rà soát lại theo hướng, gọn bớt đầu mối, sản phẩm phân bón, tăng lượng sản phâm phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch”, ông Nguyễn Xuân Cường cam kết.