Hôm nay 21-12, VFF “điều trần” về thất bại của U23 Việt Nam

“Bom” nổ hay lại… tịt?

KIỂM TRA THỂ LỰC SƠ SÀI

Có đến 3-4 cuộc họp kín được VFF tổ chức trước khi diễn ra phiên “điều trần” công khai với công luận về thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 24 vào sáng nay (21-12). Nhưng quả “bom” mà VFF hứa hẹn không kìm hãm, khóa ngòi liệu có nổ một cách tự nhiên, sòng phẳng hay lại bị… tháo ngòi vì những toan tính riêng?

HẾT THỜI “2 TRONG 1”

“Bom” nổ hay lại… tịt? ảnh 1

Trận thắng chật vật trước đội Lào là dấu hiệu khởi đầu cho sự sa sút cả về tinh thần lẫn thể lực của các tuyển thủ U23 Việt Nam tại SEA Games. ẢNH: HOÀNG HÙNG

24 giờ trước phiên “điều trần”, đích thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chủ trì cuộc họp của bộ phận thường trực với HLV trưởng đội nữ Việt Nam Trần Vân Phát và HLV đội tuyển Việt Nam Mai Đức Chung. Cuộc họp diễn ra căng thẳng, nóng bỏng chẳng khác gì những phiên họp “tiền” mổ xẻ trước đó.

Trong những lý do viện dẫn cho tình trạng quá tải, sa sút thể lực thê thảm của U23 Việt Nam (được cho lý do chính khiến U23 Việt Nam thất bại), Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nhìn nhận, lịch thi đấu của bóng đá Việt Nam không hợp lý bị bố trí quá gần với những giải đấu lớn. Vả lại, tâm lý sợ sệt, thiếu tự tin khiến VFF không lường được những tình huống đội tuyển Việt Nam tiến xa ở những giải đấu quốc tế như Asian Cup, hay vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.

Bởi vậy, ông Hỷ cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là phải sớm đưa ra một lịch đấu khoa học, có tính biến hóa cao nhằm phù hợp với nhiều tình huống.

Cũng theo ông Hỷ, ngoài lịch thi đấu, việc BHL dùng đi dùng lại nhiều cầu thủ trong 2-3 đội bóng đã khiến nhiều trụ cột bị vắt kiệt sức lực, do đó đã sa sút ở thời điểm quyết định. Cách lý giải của ông Hỷ dường như cũng ngầm thừa nhận, đội hình mà HLV Riedl và các trợ lý sử dụng trong năm 2007 đôi lúc còn chạy theo thành tích trước mắt, quên đi cái đích lớn nhất của bóng đá Việt Nam là SEA Games 24.

Ông Hỷ nhấn mạnh: “Sử dụng cầu thủ chơi cho 2-3 đội bóng là ý tưởng sai lầm”. Cũng bởi vậy, sau SEA Games 24, thời sử dụng những đội hình “2 trong 1” hay “3 trong 1” như trước đây sẽ bị… đoạn tuyệt. Mỗi đội bóng đều có kế hoạch, nhân sự tách bạch và tập trung cho từng mục tiêu riêng bởi sau thất bại ở SEA Games 24 thì không thể lại… “tham bát bỏ mâm”.

ĂN MẶN, KHÁT NƯỚC

Sự bảo thủ của HLV Riedl được cho là một nguyên nhân gây hại cho U23 Việt Nam. Chính vì vậy, tân HLV trưởng Mai Đức Chung tiếp tục nhấn mạnh trong báo cáo của mình trước Thường trực VFF: ông Riedl luôn thừa nhận những góp ý của các trợ lý là hợp lý, rất thuyết phục, nhưng khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhà cầm quân người Áo luôn làm… ngược lại.

Ông Chung than thở: “Tôi chỉ là trợ lý, góp ý và tranh luận cũng chỉ trong quyền hạn của mình. Tôi không thể làm gì khi người quyết định cuối là ông Riedl”.

Có một bí mật được ông Chung và Thường trực VFF bật mí khi nêu ra nguyên nhân vì sao ông Riedl “phớt Ăng lê” như vậy: hợp đồng với HLV Riedl do VFF khóa IV để lại có vấn đề, bởi nó chủ yếu ràng buộc về phần “công” hơn là phần “tội”.

Do không có quy định cụ thể trường hợp có thể sa thải nếu không đạt thành tích như ý nên VFF đã rất khó khăn, thậm chí phải “năn nỉ” mới nhận được cái gật đầu đồng ý chia tay chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam của ông Riedl.

GIA MINH

KIỂM TRA THỂ LỰC SƠ SÀI

Trao đổi với SGGP Thể Thao chiều qua, bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền tiết lộ, do thời gian quá gấp gáp và di chuyển thi đấu liên tục nên U23 Việt Nam đã không thể kiểm tra thể lực kỹ lưỡng như các kỳ SEA Games trước đây.

Các test kiểm tra chuyên sâu đều không thể thực hiện. Cũng bởi vậy, dù đến Thái Lan với xác nhận “không bệnh tật”, nhưng thực chất những trạng thái thể lực, y sinh học vốn được kiểm tra kỹ lưỡng trước Asian Cup 2007 hay SEA Games 24 đều không biết chính xác.

N.Linh 

Tin cùng chuyên mục