“Bong bóng” thuê bao, nhà quản lý nào cũng... thiệt

“Bong bóng” thuê bao, nhà quản lý nào cũng... thiệt

Việc giảm giá cước, khuyến mãi trong lĩnh vực thông tin di động hiện đang là con dao hai lưỡi, một mặt góp phần phát triển thuê bao cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, mặt khác đã tạo ra “bong bóng” thuê bao ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và gây ra nhiều khó khăn cho các nhà quản lý.

  • “Bong bóng” tăng ồ ạt trong mỗi lần khuyến mãi

Bất kỳ một chương trình khuyến mãi mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động như GPC - đơn vị chủ quản mạng VinaPhone, VMS - chủ quản mạng MobiFone hay Viettel Mobile tung ra đã làm cho số lượng thuê bao di động của nhà cung cấp tăng lên, có khi gấp tới 2-3 lần so với bình thường.

“Bong bóng” thuê bao, nhà quản lý nào cũng... thiệt ảnh 1

WIFI caphe 117 Mai Hắc Đế, Hà Nội: Điểm hội tụ của giới sành điệu về điện thoại di động.

Viettel Mobile là một ví dụ điển hình. Chính thức tham gia thị trường thông tin di động được tròn 1 năm, nhà cung cấp này đã có 1,6 triệu thuê bao. Sau mỗi đợt khuyến mãi, thuê bao của mạng này lại tăng lên rõ rệt. Gần đây nhất, chương trình khuyến mãi chào mừng 1 năm ra mắt của họ dù mang khá nhiều tai tiếng nhưng đã mang lại cho mạng bình quân 12.000 thuê bao mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, trong số các thuê bao mới ấy là không ít “bong bóng” thuê bao. Tức là các thuê bao này chỉ tham gia mạng trong thời gian khuyến mãi, sau đó là... nằm im hoặc chuyển sang mạng khác. Hiện tại, có ít nhất 200.000 thuê bao của Viettel không hoạt động.

MobiFone công bố có 2,9 triệu thuê bao nhưng thực tế chỉ hơn 2,7 triệu số đang hoạt động. VinaPhone công bố có 3,7 triệu thuê bao, nhưng con số hoạt động thực tế cũng thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, các thuê bao mới xuất hiện trong mỗi cuộc khuyến mãi thường mang đến sự rầy rà cho mạng: họ tập trung gọi với mật độ cao, nhiều khi gây nghẽn mạch cục bộ.

  • Nhà cung cấp: Kinh doanh thiếu bền vững

Dĩ nhiên, “bong bóng” thuê bao chỉ xuất hiện ở các thuê bao trả trước. Theo thống kê của Viettel trong tổng số 1,6 triệu thuê bao trên toàn mạng thì có tới trên 60% là thuê bao trả trước. Với MobiFone, tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 55% trong tổng số 2,7 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên trên toàn mạng.

VinaPhone được coi là có thị phần lớn nhất song cũng là đơn vị có số thuê bao trả trước nhiều nhất, thường chiếm tới khoảng 80% trong tổng số 3,2 triệu thuê bao trên toàn mạng. Số lượng thuê bao trả trước đang có xu hướng tăng lên khi các nhà cung cấp dịch vụ đua nhau hạ giá thẻ SIM và tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Theo sự phân tích của một chuyên gia viễn thông, đưa ra các chương trình khuyến mãi chắc chắn vẫn sẽ là một trong những chiêu thức nhằm kích cầu phát triển thuê bao của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Nhưng nếu cứ mãi như vậy sẽ không có sự bền vững.

Bởi số lượng thuê bao sẽ chỉ tăng đột biến trong các đợt khuyến mãi, rồi lại trở về mức bình thường, thậm chí còn thấp ngay sau khi các chương trình kia kết thúc. Trong khi ấy, sự cạnh tranh phát triển thuê bao giữa các doanh nghiệp còn đang diễn ra hiện tượng: về từng doanh nghiệp thì tăng trưởng nhưng trong cục diện chung, mức tăng trưởng trung bình lại không cao.

Chẳng hạn nếu như số lượng thuê bao của Viettel Mobile tăng thì lại có sự sụt giảm ở hai doanh nghiệp VinaPhone và MobiFone. Đã có thời kỳ, VinaPhone bình quân một ngày phát triển được 2.000 đến 3.000 thuê bao thì lại phải đối phó với việc có trung bình 1.500 thuê bao của mình rời sang sử dụng mạng của Viettel.

Theo ông Phạm Việt Tú, Phó trưởng phòng kinh doanh Công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone - thì với phân khúc thị trường mất cân đối giữa thuê bao trả trước và thuê bao trả sau, các nhà cung cấp đang phải đối mặt với một số khó khăn như phân loại đối tượng khách hàng.

“Thậm chí, nhà cung cấp muốn thực hiện việc chăm sóc khách hàng cho các thuê bao trả trước cũng không được, vì không xác định được vị trí của các chủ thuê bao”, ông Tú nói. Song, thiệt hại lớn nhất đối với các nhà cung cấp dịch vụ là tính thiếu bền vững trong kinh doanh. Phó tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, số thuê bao trả trước thường chiếm tới trên 80% thị phần, song khoản doanh thu mang lại chỉ chiếm chưa đầy 40%!

Ông In Se Hwang, Giám đốc đối ngoại toàn cầu của SK Telecom (Hàn Quốc) thì cho rằng mải mê chạy theo số lượng và tập trung phát triển quá nhiều thuê bao trả trước là cách phát triển không bền vững. Trở ngại khiến SK Telecom khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam chính là sự mất cân đối giữa các thuê bao trả trước và thuê bao trả sau.

  • Nhà quản lý: Khó khăn chồng chất

Hiện tượng “bong bóng” sẽ mang lại một bức tranh không trung thực về loại hình dịch vụ này. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư, kinh doanh, hoạch định chính sách của các nhà quản lý. Thậm chí, hiện nay Bộ Công an mới là đơn vị lo lắng nhất về các thuê bao trả trước và “bong bóng” thuê bao.

Theo quy định, đối với thuê bao trả sau, khi khách hàng hòa mạng, họ buộc phải có chứng minh thư, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác. Một khi các chủ thuê bao này liên lạc qua điện thoại để thực hiện các hành vi như quấy rối, hoặc các hành động phi pháp sẽ dễ dàng truy tìm ra chính xác đó là ai, ở đâu.

Tuy nhiên, đối với thuê bao trả trước, khách hàng chỉ cần điền tên tuổi vào một bản khai nếu ra các bưu cục, bưu điện để đăng ký sử dụng dịch vụ. Mua thẻ SIM ở đại lý công cộng thậm chí không cần thủ tục gì. Trong khi, ngoài chức năng liên lạc, điện thoại di động còn có khả năng dẫn đường, thanh toán các dịch vụ công cộng và liên quan đến nhiều vấn đề an ninh khác.

Chính khe hở hiện nay đã khiến giới tội phạm lợi dụng triệt để để gây án rồi dễ dàng cao chạy xa bay. Điều đó đã khiến lực lượng cảnh sát và an ninh gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ nhân của các thuê bao trả trước đã gây án.

TRẦN LÊ QUỐC

Tin cùng chuyên mục