Bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 24: Sức mạnh tinh thần và một nửa sự thật

Chỉ về nhì nhưng cần phải nói ngay, thành tích này của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 24 là chấp nhận được. Thậm chí, ở góc nhìn thực tế, chiếc HCB còn đáng khen ngợi...

SỨC MẠNH TINH THẦN...

Bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 24: Sức mạnh tinh thần và một nửa sự thật ảnh 1

Chiếc HCB vẫn là thành quả đáng ghi nhận của bóng đá nữ Việt Nam. ẢNH: HOÀNG VY

Bóng đá nữ Việt Nam đã ở giai đoạn thoái trào. “Tre” đã già trong khi “măng” vẫn chưa kịp mọc. “Thế hệ vàng” của những Kim Hồng, Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Thúy Nga, Bích Hạnh... rời sân đấu, lập tức ĐTVN lập tức lâm vào cuộc khủng hoảng lực lượng chưa từng thấy.

Sau cả chục trận đấu ở vòng loại Olympic Bắc Kinh, ở giải Đông Nam Á, trải qua đến 2 ông thầy nội (Trần Ngọc Thái Tuấn, Ngô Lê Bằng), ĐTVN vẫn không thể tìm được một đội hình tốt hơn. Kết quả, chúng ta đến SEA Games 24 bằng một đội hình chắp vá.

Một Mai Lan tưởng đã hết thời vẫn trở thành thủ lĩnh hàng tiền vệ, Văn Thị Thanh, Kim Hồng, Kim Chi sa sút phong độ vẫn là những nhân tố chính, Ngọc Châm - chân sút tưởng đã phải bỏ nghề vì chấn thương phải sắm vai tiền đạo số 1... Số người có kinh nghiệm thì đã vậy, lứa trẻ như: Minh Nguyệt,  Nguyễn Thị Nga, Từ Thị Phụ... lại chưa đủ độ chín.
 
Chắp vá là vậy nên dễ hiểu là trước giờ khai cuộc, từ vị thế nhà vô địch, ĐTVN chỉ còn là ứng cử viên số 3 sau cả Myanmar và Thái Lan, không ai nghĩ trận chung kết lần thứ 4 sẽ có tên Việt Nam.
 
Trong sự thiếu thốn về nhân sự lại gặp đủ bề khó khăn, thật may, sức mạnh tinh thần đã được phát huy đúng lúc. Các cầu thủ đã ý thức được khó khăn và họ đã biết cách để vượt qua nó. Cái cách ấy là những bài tập “nặng chưa từng thấy” để rồi sự dẻo dai cùng nghị lực thi đấu đã giúp họ vượt qua Myanmar sau 120 phút nghẹt thở.

Ở trận chung kết, tinh thần ấy vẫn tiếp tục được phát huy nhưng đã không đem lại chiếc HCV thứ 4 bởi đơn giản, người Thái sau bao năm chịu lép vế, giờ đã trên chúng ta một bậc.
 
Sức mạnh tinh thần là điều đáng ngợi khen nhưng rõ ràng để chinh phục Đông Nam Á hoặc tính đến chuyện bước ra châu lục, nếu chỉ dựa vào tinh thần thì mục tiêu đó là viễn vông.
 
...VÀ MỘT NỬA SỰ THẬT

Sau 3 chiếc HCV SEA Games liên tiếp thì lẽ ra ở thời điểm này, bóng đá nữ Việt Nam đã phải vượt khỏi tầm khu vực mới đúng. Vậy mà sau bao năm dẫn đầu Đông Nam Á, giờ chúng ta tụt lại rất nhiều. Ta lùi thì bạn tiến, Myanmar và cả Thái Lan đã tiến bộ rất nhiều. Người Thái đã vượt lên hẳn ĐTVN một bậc.
 
Sự tụt hậu ấy bắt đầu từ đâu? Cứ nhìn gần nhất, ĐTVN đã không được chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 24, thậm chí có những thời điểm chúng ta mất phương hướng. Suốt trong năm 2007, ĐTVN có cả chục trận đấu cấp châu lục và khu vực, thế nhưng rốt lại, chúng ta lại không tận dụng được điều gì. Hai HLV nội bất lực, cầu thủ càng đá càng dao động, mất tinh thần.
 
Mãi tới khi cách SEA Games 24 có 3 tháng, HLV Trần Vân Phát mới được vời về. Ông Phát không phải là một HLV tồi nhưng trong tay ông không có “cây đũa thần”! Ông Phát thiếu thời gian để hiểu rõ bóng đá khu vực và càng không có thời gian để lọc ra và bồi dưỡng những cầu thủ tốt nhất cho ĐTVN.
 
Chứng kiến ĐTVN ở SEA Games 24 so với vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, có thể thấy sự khác biệt lớn về chuyên môn, tinh thần. Nếu HLV Trần Vân Phát được vời về sớm hơn, chưa chắc ĐTVN đã chịu thua người Thái.
 
CẦN THAY ĐỔI
 
Bóng đá nữ Việt Nam có 6 CLB. Con số ít ỏi là vậy mà giải VĐQG cũng không được trọn vẹn. CLB đổ lỗi cho VFF về chuyện chuyên môn thấp, VFF luôn đòi hỏi các đội bóng phải tự thân vận động nhiều hơn. Dưới ngóng lên, trên nhìn xuống còn chất lượng cầu thủ lại tụt lùi. Cứ như vậy, ĐTVN không sa sút mới là sự lạ.
 
HCB vẫn là thành quả đáng ghi nhận của ĐTVN tại SEA Games 24. Thế nhưng, không thể hài lòng với thực trạng của bóng đá nữ nước nhà. Bóng đá nữ cần phải nhìn nhận lại, phải thay đổi nhiều. Thay đổi từ cấp đội tuyển hay CLB và thay đổi như thế nào, câu trả lời chờ ở VFF.

HIẾU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục