Bóng đá sạch

Khi ban kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra án phạt rất nặng với cầu thủ Nguyễn Văn Quân (CLB Cần Thơ), thay vì cảm thấy yên tâm với những cam kết của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam, người ta lại có cảm giác bất an hơn.

Nếu pha đá phạt đưa bóng thẳng về lưới nhà ấy xảy ra ở một nền bóng đá chuyên nghiệp, thì dù lộ liễu và thô thiển đến đâu, người ta sẽ nghĩ ngay đến một tai nạn nghề nghiệp, mang tính hài hước. Trên thực tế, ngay ở những giải đấu như Ngoại hạng Anh, thi thoảng vẫn diễn ra những tình huống như vậy. Không nói đâu xa, mới đây thôi trong trận đấu với U.23 Indonesia ở vòng loại U.23 châu Á, thủ thành Bùi Tiến Dũng của đội tuyển U.23 Việt Nam cũng chuyền bóng vào chân đối phương nhưng hoàn toàn không chịu sự phán xét nào cả.

Trong khi đó, thay vì nghĩ về một tai nạn, gần như ngay lập tức, từ người hâm mộ cho đến chủ sở hữu đội bóng và sau đó là VFF đã nghĩ đến tình huống tiêu cực. Chính vì thế mà dù cầu thủ đã cam kết trong sạch, chưa tiến hành điều tra nguyên nhân, những án phạt đã được đưa ra. Nặng đến mức có thể khẳng định 100% hành vi đó là “bán độ”.
Với một tình huống lộ liễu như vậy thì quá đơn giản để đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra công khai hoặc âm thầm, sau đó công bố và ra án phạt vẫn chưa muộn. Nhưng khi chưa làm gì cả mà lại kỷ luật nặng, thì vô tình đã phủ một mối nghi ngờ lên toàn bộ nền bóng đá. Người hâm mộ sẽ có quyền suy nghĩ rằng: hóa ra sau bao nhiêu năm hô hào làm “bóng đá sạch”, sau những quyết định xử phạt rất nặng, bóng đá Việt Nam vẫn… không sạch!

Thực tế thì chỉ trong một thời gian chưa đến 1 tháng khi các giải bóng đá nội địa trở lại, những sự cố mang màu sắc tiêu cực đã dồn dập xuất hiện. Đó là án kỷ luật dành cho thủ môn Tấn Trường vì sai sót ở AFC Cup, là việc treo còi đến 4 trọng tài ở V-League chỉ sau 3 vòng đấu, là án phạt của Nguyễn Văn Quân ngay vòng 1 Cúp quốc gia, chưa kể các pha bóng bạo lực… Có muốn nhìn sự việc một cách trong sáng, hoặc lạc quan cho tương lại, thì cũng chẳng được.

Hơn 1 năm qua, bóng đá Việt Nam đã thay đổi rất nhiều về đẳng cấp lẫn trình độ. Nhưng chúng ta có lẽ phải lo lắng cho tương lai của bóng đá Việt Nam nếu môi trường thi đấu trong nước vẫn đầy sự ngờ vực, lòng tin vào bóng đá sạch không nhiều, thì liệu rằng những tài năng trẻ có bị “lây nhiễm” bởi bầu không khí tiêu cực ấy hay không. Hơn nữa, những gì đang diễn ra cho thấy việc làm sạch nền bóng đá bằng các quyết định kỷ luật hầu như không có tác dụng. Mùa nào cũng có hàng chục án kỷ luật đưa ra, có những trường hợp còn đứng đầu thế giới về mức độ quyết liệt. Nhưng bạo lực, lỗi trọng tài, chuyên môn kém, sự nghi ngờ… vẫn không hề giảm.

Chúng ta không khó nhận thấy thành công của bóng đá Việt Nam ở các cấp độ đội tuyển đến từ “bóng đá sạch”. Đó là vì chúng ta có một thế hệ trẻ đến từ những CLB vốn nổi tiếng nhờ quá trình đầu tư lâu dài, bài bản và khuyến khích bóng đá đẹp phát triển. Đó là vì chúng ta may mắn sở hữu HLV Park Hang-seo, người rất nghiêm khắc trong việc quản lý và sử dụng cầu thủ dựa trên khát vọng thi đấu của họ chứ không phụ thuộc vào tuổi tác hay sự nổi tiếng. Ngoài ra, việc có nhiều đội tuyển thi đấu thành công cũng tạo ra sự cạnh tranh, khao khát được trở thành tuyển thủ quốc gia, một động lực giúp cầu thủ không vướng vào tiêu cực.

Đây chính là những “biện pháp mềm” nhưng hiệu quả lâu dài trong công cuộc làm trong sạch nền bóng đá bên cạnh việc xử lý công khai và quyết liệt những biểu hiện xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam. Các nhà quản lý cần phải mạnh tay hơn với các CLB đặc biệt là việc đáp ứng các tiêu chí của một đội bóng chuyên nghiệp như đào tạo trẻ, tài chính và sự minh bạch của các chủ sở hữu. Siết chặt những tiêu chí này có thể làm ảnh hưởng đến số lượng đội bóng chuyên nghiệp nhưng bù lại cũng là góp phần dẹp bỏ những kiểu đầu tư bóng đá “theo nghĩa vụ”, “theo nhiệm kỳ”, thi đấu mà chỉ muốn trụ hạng chứ không quyết tâm dành vinh quang cho địa phương, doanh nghiệp tài trợ hay cao hơn là phục vụ khán giả.

Với những CLB được đầu tư tốt, các cầu thủ trẻ sẽ được thi đấu nhiều hơn tạo ra tính cạnh tranh lớn hơn, đồng nghĩa cũng cải thiện thu nhập và giảm bớt những yếu kém về chuyên môn tạo ra những hành động xấu, gây ngờ vực. Nói cách khác, để bóng đá sạch thì cái cần phải mạnh tay xử lý đó là tính chuyên nghiệp của cả nền bóng đá, tạo ra môi trường mang nhiều yếu tố tích cực, trước khi thực thi các biện pháp mang tính răn đe.

Tin cùng chuyên mục