Trận bóng đá đầu tiên vào ngày 2-9-1975 trên sân Cộng Hòa

Bóng đá Sài Gòn sống lại từ cái ngày hạnh phúc ấy

Trước trận đấu lịch sử ấy, một số đài nước ngoài xuyên tạc khi cứ khăng khăng đưa tin sẽ không có bóng đá mà là “tắm máu”. Giọng lưỡi ấy không ngăn cản được người hâm mộ ồ ạt háo hức đến sân chờ xem giây phút lịch sử ấy. Giây phút mà quả bóng sẽ chính thức lăn kể từ ngày thống nhất đất nước. 4 tháng kể từ ngày xe tăng quân giải phóng húc đổ cửa Dinh Độc Lập, sân Cộng Hòa được chứng kiến một ngày hội thể thao thực sự…

Trước trận đấu lịch sử ấy, một số đài nước ngoài xuyên tạc khi cứ khăng khăng đưa tin sẽ không có bóng đá mà là “tắm máu”. Giọng lưỡi ấy không ngăn cản được người hâm mộ ồ ạt háo hức đến sân chờ xem giây phút lịch sử ấy. Giây phút mà quả bóng sẽ chính thức lăn kể từ ngày thống nhất đất nước. 4 tháng kể từ ngày xe tăng quân giải phóng húc đổ cửa Dinh Độc Lập, sân Cộng Hòa được chứng kiến một ngày hội thể thao thực sự…

Cầu thủ hai đội Hải quan và Ngân hàng ra sân trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Tuy chỉ là trận giao hữu nhưng người hâm mộ đã chờ đợi cuộc hội ngộ này từ lâu. Cầu thủ hai đội ra sân giữa những tràng pháo tay và trên khán đài, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ giơ cao cánh tay vẫy chào.

Ra sân là nguyên vẹn đội tuyển bóng đá miền Nam cũ trong đó không ít người từng khoác áo lính, áo cảnh sát chế độ cũ và nhiều người đã rơi nước mắt vì không ngờ mình có ngày được ra sân thi đấu trong không khí của một đất nước thống nhất. Hai đội bóng “chính quy” đầu tiên này của miền Nam cũng đã làm một cuộc phục sinh bóng đá trên một vùng đất mà 4 tháng trước đã đón chào một sự kiện lớn của đất nước.

Đội Hải Quan hình thành trên cái nền đội Quan Thuế cũ gồm thủ môn Hồ Thanh Chinh (sau đó Đỗ Lễ thay). Các cầu thủ có mặt trên sân hôm ấy gồm: Phạm Văn Lắm (rồi Đỗ Cẩu thay), Nguyễn Tấn Trung, Nguyễn Vinh Quang, Hồ Thanh Cang, Đinh Văn Tám, Trần Tiết Anh (rồi Đỗ Thới Vinh thay), Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Ngôn (sau Đỗ Văn Khá thay).

Đội Ngân hàng ra sân với nguyên vẹn đội hình Việt Nam Thương Tín cũ (vô địch giải hạng Nhất Sài Gòn cũ) do HLV Nguyễn Ngọc Thanh dẫn dắt có bổ sung vài vị trí: Hương, Cầu, Tiếu, Quy Tiến Long (Quang Tiến), Lê Đình Thăng, Trí (Hòa), Lý Chí Vân, Nguyễn Văn Mười (Hải), Quang Đức Vĩnh, Võ Thành Sơn, Lê Văn Tâm (Hoàng).

Phút 11, trung phong Tiết Anh dù thân hình hơi bệ vệ nhưng vẫn còn nhanh nhẹn mở tỷ số cho Hải quan bằng cú sút quen thuộc làm sống lại cầu trường. Ba phút sau, chỉ do một sai lầm của Trần Cảnh Long, tỷ số trận đấu được cân bằng. Võ Thành Sơn chớp thời cơ từ cú chuyền bóng về của Cảnh Long cho thủ môn Chinh không đủ lực và lao xuống đá vói vào góc xa. Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn vì chỉ 1 phút sau, Tám và Thuận đã phối hợp bật tường thật quen thuộc nâng tỷ số lên 2-1 cho Hải quan. Phút 28, Tiết Anh bị đốn ngã trong khu vực 16m50, Hồ Thanh Cang bước đến chấm 11 mét. Cái lưng khòm khòm quen thuộc và dáng chạy không thể lẫn vào đâu được, Cang đưa quả bóng đi thật hiểm và… bóng dội trụ tìm đúng ngay chân Nguyễn Văn Ngôn. Cái chân trái lừng danh của bóng đá Sài Gòn đã thực hiện cú sút cận thành nâng tỷ số 3-1 cho Hải Quan.

Khán giả hả hê ra về sau một trận bóng đá thực sự mà không hề có “tắm máu” như một số đài đài nước ngoài xuyên tạc. Sau trận cầu lịch sử như một cột mốc không thể quên của bóng đá nước nhà khi ấy, hai tháng sau, nhân dịp Hội nghị hiệp thương thống nhất, sân Cộng hòa đổi tên thành sân Thống Nhất. Ngày 7-11-1976, lần đầu tiên một trận đấu bóng đá giữa hai đội bóng của hai miền Nam – Bắc gặp nhau cũng trên mảnh sân ấy: Đội Tổng cục Đường sắt do HLV Trần Duy Long dẫn dắt vào TP.HCM gặp đội Cảng Sài Gòn và Hải Quan. Năm 1976, giải bóng đá Cửu Long khai mạc. Năm 1980, giải bóng đá vô địch quốc gia lần nhất, 3 đội TPHCM tham dự giải và đội Hải quan giành hạng nhì…

… Tiếp theo sự kiện Tam Lang (khoác áo Cảnh sát quốc gia cũ) được đưa đi CHDC Đức học lớp HLV và trở về phục vụ tổ quốc và sau đó được kết nạp Đảng, Đỗ Thới Vinh nằm xuống nhưng lớp thế hệ cầu thủ sau được xem là hậu duệ của bóng đá TPHCM trưởng thành từ cái nôi TPHCM. Lê Huỳnh Đức, con trai của Lê Văn Tâm - người dự trận cầu lịch sử ngày 2-9 ấy, trở thành tuyển thủ quốc gia. Tương tự, con gái của Đỗ Văn Khá là Đỗ Thị Mỹ Oanh đeo băng đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games và những giải quốc tế… Tất cả đều khởi đi từ cái ngày 2-9-1975 ấy.
Bóng đá Sài Gòn đã được phục sinh như thế…

Nguyễn Nguyên (theo nhiều tư liệu)

Tin cùng chuyên mục