Do hoàn cảnh neo đơn và khó khăn nên anh đã làm đơn xin phép lãnh đạo Công an quận Tân Bình, nơi anh công tác trước đây cho anh được trở lại với cuộc sống thường nhật hàng ngày như mọi người dân bình thường khác. Mặc dù khi ấy, anh đang là một sĩ quan Công an với cấp bậc trung úy hẳn hoi. Anh Nguyễn Huy Chung đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế khi được thắc mắc vì sao anh lại chọn con đường “làm thường dân” như vậy!

Anh Nguyễn Huy Chung (bìa phải) cùng các em đội U 15 Tân Bình đoạt chức vô địch Futsal TPHCM 2006.
Và chính cuộc sống bình thường ấy, đã đưa anh tìm đến với bộ môn thể thao “vua” mà anh đam mê từ nhỏ, cốt là làm cho cuộc sống hàng ngày đỡ nhàm chán. Nhưng cái khát khao của anh là hơn thế nữa!
Sau khi cuộc sống kinh tế của gia đình tạm ổn định, lúc này anh mới thảnh thơi cho mục đích của mình.
Năm 2004, anh Chung một mình đi tìm và mang các em về lập nên đội bóng (chủ yếu là 12, 13 tuổi), tự bỏ tiền thuê sân bãi, thuê cả thầy dạy bóng đá cho các em- lúc ở sân Tao Đàn, khi thì ở sân Hồng Hà (quận Tân Bình) cho các em tập luyện và thi đấu với chi phí 1 triệu đồng/tháng, hơn thế nữa, anh còn đóng cả học phí cho các em học bóng đá ở những nơi này, và cũng chính do một tay anh lo liệu cho các cầu thủ được học hành đàng hoàng.
Nhưng để có “danh chính ngôn thuận” cho đội ở mỗi lần đi xa thi đấu giao hữu và tham gia giải của TPHCM, anh thường lấy tên đội là Thiếu niên Tân Bình, vì đa số các em đang theo học ở các trường trên địa bàn quận Tân Bình.
Hơn nữa, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chính đội bóng này của anh đã đại diện cho TPHCM ở Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc – Khối THCS năm 2006 vừa qua (đứng nhất khu vực 4 và sau đó là HCB toàn quốc tại Khánh Hòa).
Và ở Giải bóng đá Futsal U15 TPHCM năm 2006 vừa qua, cũng chính những học trò bé nhỏ này của anh lại một lần nữa đứng trên bục vinh quang (đoạt giải nhất).
Được biết, đã có lúc TMN.CSG và Trung tâm thể thao Thành Long muốn đặt vấn đề về việc chuyển nhượng một số cầu thủ có chuyên môn tốt ở đội bóng này, nhưng anh Chung lo sợ các em bị “tan đàn xẻ nghé” nên khi QK7 muốn nhận hết lực lượng này thì anh đã đồng ý và hiện các em đang là những vận động viên năng khiếu (hệ không tập trung) của QK7.
Và khi chúng tôi thắc mắc về việc học tập của các em, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu. Anh cho biết: “Đây là vấn đề mà tôi hết sức quan tâm và lưu ý. Nhưng được cái, hiện giờ đa số các em đều đang học tại Trường THPT Lý Tự Trọng, phường 4, quận Tân Bình. Đặc biệt, Ban giám hiệu nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện cho các em tập luyện và thi đấu khi có giải, nên cũng phần nào an tâm”. Tuy nhiên, cũng chính anh tâm sự: “Tôi sợ một ngày nào đó mình không còn ở gần các cháu nữa, vì khi ấy các cháu cần có môi trường tốt hơn và thuận lợi hơn để phát triển, mà mình đâu theo các cháu mãi được. Vì vậy, mình cần hơn nữa từ sự phối hợp của các cơ quan ban ngành…”.
Qua câu chuyện trên và những gì mà bóng đá TPHCM đã, đang và làm được, ta thấy rất cần lắm những người “yêu bóng đá” như anh.
Bài, ảnh: NGỌC UYÊN