Những nghi ngờ về chuyện tiêu cực của đội tuyển U.23 tại SEA Games 26 đang làm vẩn đục làng cầu Việt Nam khi chỉ còn một tháng nữa là các giải nội địa sẽ khởi tranh. Như vậy, sau nỗi thất vọng khi không hoàn thành chỉ tiêu HCV, bóng đá Việt Nam lại tiếp tục rơi vào không khí ngột ngạt những tưởng đã được giải tỏa phần nào thông qua sự kiện thành lập Công ty Quản lý V-League (VPF).
Dù thật sự các cầu thủ U.23 có tiêu cực hay không thì thực tế, sự nghi ngờ xung quanh các trận đấu kém cỏi ở SEA Games 26 cũng đã tồn tại. Đúng hay sai, cần chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng sự thật là có vô số câu hỏi chưa được giải tỏa về chất lượng cũng như cách điều hành nền bóng đá nước nhà. Và nếu không được trả lời một cách thấu đáo, chẳng ai biết còn những điều tồi tệ tương tự nào sẽ xảy ra trong tương lai. Nói cách khác, hiện nay chẳng mấy người tin vào sự trung thực của bóng đá Việt Nam.
Sự yếu kém của bóng đá Việt không chỉ mới xảy ra. Sau mùa giải 2011, các ông bầu đã phản ứng dữ dội về cách điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đòi thành lập VPF.
Kết quả thi đấu tại SEA Games 26 thực ra cũng chỉ là kết quả đương nhiên khi hệ thống thi đấu nội địa xuống cấp tệ hại và đã nằm ngoài tầm kiểm soát của VFF. Trong bối cảnh như vậy, nghi ngờ tiêu cực ở SEA Games 26 chỉ là “giọt nước tràn ly”. Trước sau gì điều đó cũng sẽ phải đến nếu so sánh giữa mức độ đầu tư và kết quả có được. Bóng đá Việt Nam rơi vào nghịch lý khi được xã hội hỗ trợ quá nhiều nhưng kết quả là chỉ mang lại nỗi thất vọng cho công chúng.
Vì thế, đây chính là thời điểm chín mùi để thực hiện cuộc “đại phẫu” bóng đá Việt.
Thứ nhất, phải xác định rõ trình độ của làng cầu nội địa trước khi giao nhiệm vụ cụ thể cho VPF. Sự ra đời của công ty này là một bước đi hợp quy luật nhưng cho đến thời điểm này, chức năng và nhiệm vụ của nó vẫn chưa rõ ràng. Cái gì của bóng đá cần phải trả về cho bóng đá. Ở đó, giá trị của các CLB, cầu thủ hay những trận cầu cần được đánh giá theo tiêu chí khách quan của khán giả chứ không phải theo tổng số tiền đầu tư hay giá trị chuyển nhượng giữa các ông bầu.
Thứ hai, phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của VFF. Bây giờ chúng ta mới nói về sự yếu kém của VFF trong khi suốt 3 năm qua, sự xuống cấp của giải V-League đã được báo động thường xuyên.
Và cuối cùng là xem lại những tiêu chí phát triển bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu Việt Nam thay vì những con số “ăn theo” mô hình chung trên thế giới. Nền bóng đá vẫn còn ở trạng thái nghiệp dư nhưng mặc nhiên được khoác trên mình “chiếc áo chuyên nghiệp” quá rộng, thành ra kệch cỡm và không còn trung thực về chất lượng. Đã đến lúc, cần chấp nhận làm bóng đá chuyên nghiệp theo cách chậm mà chắc hơn là phát triển ào ạt đến mức mất kiểm soát.
Cuộc “đại phẫu” trong bóng đá là yêu cầu bắt buộc, phải làm ngay trước khi quá muộn. Bóng đá Việt Nam đang có cơ hội để làm lại triệt để khi VPF sắp thành hình và sự thất bại ê chề tại SEA Games là cơ sở để lượng giá thực lực một cách toàn diện. Vì thế, không nhất thiết phải tiến hành ngay các giải đấu nội địa cho đúng kế hoạch mà cần phân tích thật kỹ thực trạng của cả một quá trình trượt dốc vừa qua. Trong bối cảnh này, việc tạm dừng thi đấu một thời gian để tái cấu trúc, cải tổ toàn diện nền bóng đá xem ra cần thiết hơn bao giờ hết.
Việt Tâm