Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa trình lên Tổng thống Vladimir Putin danh sách đề cử nội các mới của Nga. Theo hãng tin Interfax, nội các mới tập trung vào việc đưa Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đưa ra kế hoạch nâng cao vị thế quốc phòng của Nga, nhất là trong bối cảnh NATO đang triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu bất chấp những lời cảnh báo từ Nga. Dự kiến Tổng thống Putin sẽ thông qua danh sách nội các này vào tuần tới.
Việc thành lập nội các tại Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây có nhiều sóng gió. Tổng thống Nga Putin cho biết sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Mỹ vào tuần tới với lý do ông bận rộn với việc phê duyệt thành phần chính phủ mới. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào mùa thu tới ở Vladivostok, Nga, với lý do bận với cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Vấn đề nóng nhất trong quan hệ giữa Nga với NATO nói riêng và giữa Nga với phương Tây nói chung hiện nay là hệ thống lá chắn tên lửa của NATO triển khai sát biên giới Nga. Phó Thủ tướng Nga phụ trách hiện đại hóa quốc phòng Dmitry Rogozin đã viết trên trang Twitter của ông rằng hàng trăm tỷ rúp đã được dành cho việc nâng cao vị thế quốc phòng của Nga trong nhiều thập niên tới. Những cuộc thăm dò dư luận tại Nga gần đây cho thấy hầu hết người dân Nga ủng hộ các kế hoạch chính thức để chi tiêu ngân sách vào việc hiện đại hóa quốc phòng. Vì sao như vậy?
Câu trả lời là hầu hết người dân Nga không những không tin tưởng vào NATO mà còn cho rằng khối này có thể đe dọa an ninh Nga. Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Mátxcơva từng chỉ ra rằng NATO đã ở quá gần biên giới Nga, với nhiều căn cứ quân sự đang được xây dựng tại Ba Lan, Bulgaria và Romania. Máy bay của NATO cũng đang tuần tra trên bầu trời các nước Baltic giáp với Nga. Chi phí quốc phòng của các thành viên NATO tăng gấp nhiều lần so với Nga. Ngoài ra, quân số lực lượng quy ước của NATO tại châu Âu vượt xa Nga. Quân đội Mỹ cũng đang phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các hệ thống vũ khí tấn công triển khai tại châu Âu làm mất cân bằng quân sự với Nga.
Bất chấp việc Nga trợ giúp NATO tại Afghanistan, Mỹ trong khi xây dựng các căn cứ quân sự ở đây không hề tham khảo ý kiến Nga. Các chuyên gia quân sự Nga phát biểu trên tờ Telegraph của Anh cho rằng các căn cứ này mang tầm quan trọng chiến lược để Mỹ kiểm soát khu vực Trung Á và lính Mỹ sẽ ở lại các căn cứ này sau năm 2014 càng đặt ra lo ngại cho Nga.
Riêng với hệ thống lá chắn tên lửa của NATO tại châu Âu, Nga xem đó là mối đe dọa an ninh lớn nhất. Điều đáng nói là Mỹ và NATO đều từ chối cam kết với Nga bằng khung pháp lý theo đó hệ thống này sẽ không đe dọa an ninh Nga. Chính vì vậy, phản ứng tức giận của Nga, trong đó có tuyên bố có quyền tấn công phủ đầu hệ thống này là điều có thể hiểu được.
Xem ra bóng ma chiến tranh lạnh vẫn còn lởn vởn trong quan hệ Nga - phương Tây. Điều cốt lõi là phương Tây chưa thực sự xem Nga là đối tác bình đẳng. Nguy hiểm hơn, hàng loạt hoạt động quân sự của NATO và phương Tây tại châu Âu đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Thụy Vũ