Bóng ma giải chấp

Bóng ma giải chấp

VN Index đã có 5 phiên liên tiếp giảm điểm trước khi phục hồi vào phiên cuối tuần qua. Có ý kiến cho rằng ngoài nguyên nhân bị ảnh hưởng từ TTCK thế giới, thị trường giảm điểm còn xuất phát từ việc NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính đã phải bán ra, trả nợ cho CTCK. Nhưng thực tế có đúng như vậy hay không?

Đi tìm nguyên nhân

Từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, VN Index đã tăng khoảng 50 điểm, tương ứng 10%, lên mốc 550 điểm. Nhóm CP tăng giá mạnh nhất là penny chips, đa phần tập trung ở HNX và điểm quan trọng nhất là tính thanh khoản rất kém. Nếu chơi penny chips dù NĐT có muốn mua nhiều cũng không thể được; CTCK đương nhiên sẽ không chấp nhận cho NĐT vay tiền để “đánh bạc” với những CP mà mỗi ngày chỉ khớp vài nghìn đơn vị.

Bên cạnh đó, nếu cho rằng CTCK làm liều cho NĐT sử dụng đòn bẩy tại những CP nhỏ thì khi những CP này bị bán ra, ảnh hưởng đối với điểm số của thị trường cũng không lớn. Như vậy, mấu chốt của vấn đề nằm ở nhóm CP tầm trung và blue chips.

Những bóng ma tung tin đồn, làm giá và sẵn sàng tháo chạy luôn ẩn mình trên TTCK. Ảnh: LÃ ANH

Những bóng ma tung tin đồn, làm giá và sẵn sàng tháo chạy luôn ẩn mình trên TTCK. Ảnh: LÃ ANH

Tính từ ngày 4-5, SSI đã có 8 phiên giảm liên tiếp, từ 4.4 xuống 3.9, GMD từ mức 7.5 tưởng như vững vàng cũng nhanh chóng giảm xuống 6.8, KBC từ 5.9 xuống 5.5, nhìn chung, các blue chips cũng đã giảm giá khoảng 10% trong đợt sóng xuống vừa rồi. Câu hỏi được đặt ra là liệu NĐT có sử dụng đòn bẩy để mua vào blue chips hay không? Trước tiên, cần thấy rằng blue chips tăng không nhiều, nhưng cũng có biến động, nhiều NĐT không dám mạo hiểm với penny chips vẫn tiếp tục trung thành với blue chips.

Một thí dụ, để mua khoảng 100.000 CP STB - CP đang có tính thanh khoản hàng đầu thị trường - NĐT sẽ bỏ ra số tiền hơn 2 tỷ đồng. Chỉ cần STB tăng vài trăm đồng, NĐT đã có thể bán ra và thu về vài chục triệu đồng, một số tiền không phải quá lớn, nhưng vẫn được nhiều NĐT chấp nhận. Mà với những CP như STB, nhiều CTCK sẵn sàng cho NĐT sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1. Đối với nhóm CP tầm trung và CP có tính thanh khoản tốt như DQC, MCG hay PVX, việc NĐT được sử dụng đòn bẩy cũng là chuyện đương nhiên.

Như vậy, áp lực giải chấp nếu có sẽ tập trung ở nhóm blue chips. nhưng như đã thấy, các blue chips thời gian qua gần như đứng yên, nên khả năng giảm sâu khó xảy ra, như vậy áp lực giải chấp cũng không lớn.

CTCK lại vung tay?

Để quản lý nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margins), điều tiên quyết là CTCK phải có một hệ thống hiện đại, nhưng thực chất, vẫn có những CTCK quản lý margins theo phương pháp hết sức “thủ công”. Có CTCK đã không cho khách hàng sử dụng margins vì lý do công ty quản lý margins bằng file excel và giám sát rất lỏng lẻo. Khách hàng mất khả năng thanh toán nên công ty cũng bị cạn kiệt nguồn tiền.

Tuy nhiên, nhìn chung các CTCK trong thời điểm hiện nay đều siết hệ thống khá chắc chắn, những NĐT sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ lớn đều phải bán ra vào ngày T+4 thay vì nắm giữ với thời gian lâu hơn. Hiện tại VN Index đã mất đi khoảng 10%, trong khi đó tỷ lệ margins chung trên toàn thị trường vào khoảng 30%. Như vậy, NĐT vay 30% trong khi CP mới chỉ giảm 10% cũng không phải là điều quá lo lắng.

Theo dõi các giao dịch thỏa thuận trong thời gian gần đây, có thể thấy nhiều CP đã được trao tay với mức giá “trên trời”. Nhiều CP được giao dịch với giá trần dù trong phiên bị bán ra không thương tiếc, sang ngày hôm sau tiếp tục giảm giá, lại vẫn được giao dịch thỏa thuận với giá trần. Giả thiết được đặt ra ở đây là liệu có phải nhiều CTCK muốn làm giảm áp lực giải chấp đã cho NĐT bán CP sang một tài khoản khác với giá cao và chờ đợi CP tăng giá trở lại rồi tiến hành bán ra thay vì ép bán bằng mọi giá. Nếu việc này tiếp tục diễn ra, trong khi thị trường không sớm khởi sắc trở lại, áp lực giải chấp sẽ lại đè nặng lên CTCK.

NGỌC PHÁCH

Tin cùng chuyên mục