
(SGGP 12G).- “Bóng” là cuốn tự truyện được hai nhà báo Hoàng Nguyên và Đoan Trang viết theo lời kể của Nguyễn Văn Dũng, chủ nhiệm CLB Thông Xanh, một nhóm hoạt động của người đồng tính tại Hà Nội. Với 340 trang sách, “Bóng” phản ánh những bi kịch trong tình yêu và cuộc sống của một người đồng tính, qua đó, hiện lên thế giới của những người thuộc giới tính thứ ba.
Những bi kịch của “tình trai”

40 tuổi, Dũng vẫn thích sưu tập búp bê, đồ chơi; kinh doanh cửa hàng băng đĩa nhưng anh rất mê cải lương. 20 năm “tình trường”, Dũng cặp với hết người này đến người kia, kể cả nhắm mắt ngủ với “Tây” để lấy tiền nuôi “bồ” nhưng gần như tất cả các cuộc tình đều kết thúc trong nước mắt… Câu chuyện không bám theo dòng chảy của thời gian mà theo cảm xúc của người kể. Đó là những mảng ký ức về các mối tình đã trải qua trong đời Dũng.
Dũng đã bộc lộ một sự thật mà không hẳn những “người trong cuộc” đều biết: có những người đồng tính rất mê người đàn ông thật sự. Họ quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương; thân hình đàn ông nhưng mang tâm hồn phụ nữ nên họ muốn có người đàn ông đúng nghĩa của mình chứ không phải một người cùng “cảnh ngộ”. “Những người đồng tính như tôi, tôi chỉ có thể thông cảm, coi họ như bạn, tôi không thể yêu được họ”, Dũng kể. Vì vậy, bi kịch thường xảy ra khi những cuộc tình của họ thường rất ngắn ngủi và những người như Dũng thường “mất cả tình lẫn tiền”.
Những mối tình hiện lên dữ dội, khốc liệt và ám ảnh qua lời kể của Dũng. Nhưng đằng sau tất cả những dằn vặt, giằng xé nội tâm, những cơn ghen tuông, những khao khát bị kìm nén.. là lời tâm sự mà những người đồng tính đều từng thốt ra hơn một lần trong đời: “Chúng tôi không muốn là người đồng tính. Xin hãy thông cảm với những số phận như chúng tôi”… Không chỉ đơn thuần kể lại những mối tình đầy ám ảnh, “Bóng” còn nói về bi kịch của những người mang tâm hồn phụ nữ trong thân xác đàn ông, cả đời chỉ mơ một lần mặc váy cưới lên xe hoa; những thanh niên nông thôn nghèo lên thành phố, phải chấp nhận thân phận “sống chung với pêđê” trong dằn vặt và nỗi sợ điều tiếng thiên hạ; những người phụ nữ đau khổ vì trót yêu nhầm “bóng”…
Trong câu chuyện kể với những người viết, Dũng không ít lần rơi nước mắt: “Cả đời tôi chỉ theo trai, trong khi mẹ mới là người thương tôi nhất”. Lúc mẹ anh hấp hối, bà vẫn chưa an lòng vì con trai chưa lấy vợ. Đó là nỗi đau ám ảnh Dũng mãi mãi.
Bớt đi cảm giác ghê sợ hay kỳ thị
Dũng kể về đời anh sau nhiều đắn đo, thuyết phục, thậm chí rút lại ý định về cuốn tự truyện, ngay cả khi bản thảo hoàn chỉnh, dù tất cả tên nhân vật trong cuốn sách được thay đổi, trừ tên Dũng, mẹ và chị gái anh. Công khai từ lâu về tình trạng giới tính trên báo chí, nhưng đây là lần Dũng công khai quyết liệt nhất và can đảm lên tiếng để bảo vệ người cùng giới. “Khi công khai chuyện của mình là tôi đã lường được điều xấu nhất. Xã hội giờ đã bớt nặng nề trong nhìn nhận giới tính thứ ba nhưng chưa phải đã hết kỳ thị. Việc sách của tôi được phát hành rộng rãi và in báo rõ ràng là tín hiệu lạc quan. Tôi ý thức rằng nếu truyện không ra gì sẽ còn hại đến mình và cả giới”, Dũng tâm sự với báo giới.
Không chỉ nhận phản hồi tích cực của người trong giới, mà nhiều bạn đọc sẻ chia với anh, vì hiểu anh, hiểu những người đồng tính hơn qua những trang sách - trang đời… Ở mức độ này, cuốn tự truyện đã phần nào thành công. Tuy nhiên, tập sách mới dừng lại ở mức độ của một cuốn tự truyện đơn thuần, dẫu rằng những sự thật trong nó luôn ám ảnh người đọc. Vẻ như người viết tham vọng đẩy vào tự truyện tất cả những “thắc mắc” về giới đồng tính, khiến cuốn tự truyện giống một “cẩm nang tra cứu” hơn là một tác phẩm để người đọc khép lại còn lưu luyến! Có ý kiến cho rằng, chính những thông tin này “cứu” cuốn tự truyện không rơi vào “tầm phào” hay “lá cải” nhưng tiếc rằng chúng chưa được “xào nấu” nhuần nhuyễn để “chảy” cùng mạch truyện.
Trước “Bóng”, đã có khá nhiều tác phẩm đề cập đến tâm tư tình cảm của người đồng tính và được sự quan tâm của dư luận, như: “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn, “1981” của Nguyễn Quỳnh Trang… Trung thành với lời kể của Dũng, những người chấp bút mong bạn đọc hiểu hơn một thế giới ở ngay trong thế giới của chúng ta, thuộc về chúng ta, để chúng ta bớt cảm giác ghê sợ hay kỳ thị. “Điều quan trọng nhất mà tôi thu lượm được và muốn chia sẻ với bạn đọc: Họ là con người với những suy nghĩ và cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người”, nhà báo Hoàng Nguyên cho biết. |
Anh Phúc