Bức ảnh của Awa Hồ

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM (số 1 Nguyễn Tất Thành quận 4) có trưng bày một tấm ảnh Bác Hồ bằng lụa đen trắng đã sờn cũ và có đôi chỗ ố vàng vì thời gian. Tấm ảnh do Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Phó Trưởng đoàn B90, trao tặng bảo tàng cách đây 9 năm. Kỷ vật tuy đơn sơ, nhỏ bé nhưng ẩn chứa đằng sau đấy là những câu chuyện đong đầy tình cảm của nhân dân miền Nam đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Năm 1959, Đoàn B90 được thành lập với nhiệm vụ xoi mở, khai thông đoạn cuối con đường hành lang chiến lược Bắc Nam, nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên của Liên Khu 5 và miền Đông Nam bộ. Đoàn gồm 25 cán bộ trung cấp, tập họp từ đủ các chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Nam bộ… hầu hết là những anh em từng hoạt động ở chiến trường hậu địch và miền núi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Khi tập trung ở Hà Nội, niềm vui to lớn và bất ngờ nhất là đoàn được gặp Bác Hồ trước khi vào Nam. Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Phó Trưởng đoàn B90, bồi hồi nhớ lại: “ Đó là vào một buổi chiều trung tuần tháng 5, chiếc xe ca chở chúng tôi đến nhà khách phủ Chủ tịch. Đúng giờ, Bác đến. Không ai bảo ai chúng tôi đồng loạt hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm, Bác Hồ muôn năm!”. Với nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi, Bác bắt tay và hỏi thăm từng người. Âu yếm nhìn chúng tôi khắp lượt, Bác hỏi : “Thế các cháu về miền Nam sẽ làm gì?”. “Thưa Bác, làm cách mạng ạ”, chúng tôi đồng loạt đáp. Bác vui vẻ cười và bảo: “Các cháu về miền Nam làm cách mạng là đúng nhưng chưa đủ. Các cháu còn phải biết vận động nhân dân miền Nam làm cách mạng thì cách mạng mới thành công, chứ chỉ riêng các cháu thì sẽ không thắng lợi được đâu”. Lời Bác dặn thật đơn giản, mộc mạc nhưng cũng sâu sắc vô cùng.

Sau hôm đó, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm tranh thủ giờ nghỉ, ra chợ Đồng Xuân mua quyển sổ tay, ghi lời Bác dặn vào trang đầu quyển vở. Đồng thời, ông cũng tìm thêm một bức ảnh Bác bằng lụa, bức ảnh có kích thước lớn hơn quyển vở học sinh một chút...Vài ngày sau, 25 chiến sĩ của đoàn B90 lên đường vào chiến trường miền Nam đầy cam go và quyết liệt, nơi chưa có cơ sở quần chúng và là vùng đồng bào dân tộc, với hành trang mang theo là bức ảnh của Bác và lời dặn ân cần “phải biết vận động nhân dân cùng làm cách mạng”.

Thiếu tướng Phùng Đình Ấm kể: “Khi mang theo bức ảnh, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là mang theo hình ảnh của Bác để làm nguồn động viên cho anh em trong đoàn mỗi lúc khó khăn… Không ai ngờ bức ảnh như một “bảo bối” của chúng tôi, nhờ ảnh của Bác mà công tác quần chúng của chúng tôi dễ dàng hơn, được đồng bào tin tưởng hơn…”.

Burơ Nga là làng đầu tiên mà đoàn B90 bí mật móc ráp, liên lạc và gầy dựng cơ sở. Ông Ấm nhớ lại: “Chúng tôi học tiếng, phong tục của địa phương, đến đâu chúng tôi cũng xáp vô cùng đồng bào phát rẫy, làm nương, tuyên truyền kể chuyện về Bác Hồ... Những năm chống Pháp, đồng bào đã được nghe nói, nghe kể nhiều về Bác, tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam, đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên, nhưng chưa ai được trông thấy Awa Hồ (Bác Hồ) như thế nào. Vì vậy, tấm ảnh lụa đen trắng của Bác mà chúng tôi đem theo, dần trở nên thân thuộc với đồng bào M’Nông, S’Tiêng… Đối với đồng bào, Bác như ngọn đuốc soi đường để đồng bào đánh đuổi Mỹ, Diệm”.

Có lần, một tổ công tác của đoàn vào vùng rẫy của Buôn Djra tổ chức lễ uống nước thề đoàn kết chống Mỹ, Diệm. Sau khi nghe kể chuyện về Bác, thấy tấm ảnh Bác Hồ mà tổ công tác mang theo, ông Ama Hin, một trưởng tộc có uy tín trong buôn khoe: “Làng chúng tao cũng có ảnh Awa Hồ”. Nói xong ông thò tay lên vách, kéo chiếc ống đựng tên của mình và dốc ngược xuống. Từ dưới đáy ống tên lăn ra một cuộn giấy tròn. Ông nhẹ nhàng mở cuộn giấy ra, bên trong là một ảnh Bác Hồ đen trắng. Tấm ảnh lâu năm đã ngả vàng. Ông Ama Hin cho biết tấm ảnh này của một cán bộ, lúc rút lui khỏi mặt trận Ba biên giới đã tặng cho ông. Chúng tôi hỏi: “Để ảnh Cụ Hồ trong nhà, không sợ Mỹ, Diệm đến đốt phá à?”. Ông nói: “Nếu Mỹ - ngụy phát hiện tấm ảnh, thì tao có chết chúng nó mới lấy được tấm ảnh này. Người M’Nông - S’tiêng và các dân tộc Tây Nguyên mãi một lòng hướng về Awa Hồ”.

“Từ những câu chuyện đơn giản thế, chúng tôi thấy được tình cảm của đồng bào đối với Bác lớn như thế nào. Đó cũng là nguyên nhân tôi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tấm ảnh này. Cũng là để các thế hệ sau này hiểu thêm về Bác, về vị cha già kính yêu của dân tộc” - Thiếu tướng Phùng Đình Ấm cho biết thêm.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục