Bức tranh tối màu

Bức tranh tối màu

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp và giao ban xuất khẩu với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản do Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức chiều 9-8 tại Hà Nội, các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội cũng như cơ quan quản lý đã thẳng thắn chia sẻ các thông tin về bức tranh buồn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay: không chỉ tăng trưởng âm mà nhiều sản phẩm còn đang rất khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, gạo và sắn là 2 mặt hàng đang có tốc độ suy giảm xuất khẩu lớn nhất. Các mặt hàng như cao su, chè mặc dù có tăng về lượng nhưng giảm về giá trị. Tương tự, xuất khẩu rau củ quả, thủy sản và mây tre cũng ì ạch do nhu cầu thị trường nhập khẩu yếu. Có tới 90% thị phần xuất khẩu sắn là sang Trung Quốc nhưng do giá dầu trên thị trường thế giới đứng ở mức thấp nên các nước nhập khẩu cũng giảm nhu cầu về sắn. Đối với lúa gạo, lâu nay xuất khẩu cũng chủ yếu phụ thuộc thị trường Trung Quốc nhưng hiện chúng ta chưa ký tiếp được các hợp đồng tập trung để dẫn dắt thị trường, trong khi lại chịu áp lực giảm giá từ việc Thái Lan xả hàng để giảm tồn kho. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các nước nhập khẩu hiện đang có nhu cầu cao về loại gạo chất lượng và có giá bán cao nhưng Việt Nam lại đang thụt lùi trong những năm qua tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, kể cả thị trường Nhật Bản cũng không có chỗ cho gạo Việt Nam.

Hiện nay, gạo và sắn là 2 mặt hàng đang có tốc độ suy giảm xuất khẩu lớn nhất

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều rào cản lớn nên tốc độ chậm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tôm xuất vào thị trường Australia vẫn chưa được nhiều do vướng rào cản về kiểm tra dịch bệnh bởi Australia vẫn chưa công nhận tôm của Việt Nam là sạch bệnh. Giá cá tra cũng đang sụt giảm. Tổng Thư ký VASEP giãi bày: “Tổng sản lượng nuôi cá tra ban đầu người nói thiếu người nói thừa, cuối cùng là chúng ta không tiêu thụ nổi. Ngoài thị trường nhiều cá quá, làm không hết”. Trong khi nhu cầu về cá tra tại thị trường châu Âu đã giảm thực sự, họ mua vào tháng 3-2016 và bây giờ không dám mua tiếp, chỉ giữ lại hàng tồn kho… làm “cầu” yếu đi.

Mặc dù xuất khẩu gặp nhiều khó khăn song theo Bộ NN-PTNT, do chúng ta vẫn đảm bảo cân đối cung cầu lương thực, đường, muối… nên không gây ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Trong 6 tháng qua, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được quản lý tốt nên không có biến động về giá cả. Để đảm bảo giữ vững tăng trưởng xuất khẩu, khắc phục thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường… trong những tháng tới cần phải tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, đẩy lùi vấn nạn kháng sinh, tạp chất trong tôm và tăng diện tích, sản lượng lúa nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong thời gian qua. Muốn thoát khỏi những sụt giảm và khó khăn về “đầu ra” hiện nay, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là mặt hàng gạo tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và thị trường châu Phi. Đặc biệt cần phải tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động, tiếp cận các thị trường đang tăng cường rào cản như Mỹ (đối với cá tra và chè). Trao đổi thêm với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xúc tiến thương mại là một trong những nút thắt quan trọng cho xuất khẩu nông sản hiện nay. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã bàn cùng Bộ Công thương thống nhất đàm phán với các thị trường truyền thống như Philippines để chuẩn bị ký kết các hợp đồng mới. Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ NN-PTNT cũng làm việc với các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai… đề nghị tạo điều kiện, trình tự, thủ tục xuất khẩu nông sản được thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục