Bức xúc việc tận thu tác quyền âm nhạc

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận khi tiến hành tận thu tác quyền âm nhạc.  
Các cơ sở kinh doanh karaoke ngoài đóng tiền cho VCPMC, thì từ ngày 1-7 này còn phải đóng thêm tiền cho RIAV và nhiều đơn vị khác cũng đang manh nha thu tiền. Tất cả các khoản phí này sẽ trút hết lên người tiêu dùng khi đi hát karaoke!
Các cơ sở kinh doanh karaoke ngoài đóng tiền cho VCPMC, thì từ ngày 1-7 này còn phải đóng thêm tiền cho RIAV và nhiều đơn vị khác cũng đang manh nha thu tiền. Tất cả các khoản phí này sẽ trút hết lên người tiêu dùng khi đi hát karaoke!
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bị các khách sạn ở Đà Nẵng phản đối khi thu tiền xem tivi của khách thuê phòng với lý do các cơ sở này sử dụng tivi có các kênh âm nhạc vào mục đích kinh doanh. Điều này gây bất ngờ với nhiều người nhưng lại là kế hoạch được chuẩn bị trước của VCPMC.
Thu cho “bằng chị bằng em”
Trong tổng kết năm 2016, nếu nhìn vào con số của 2 trung tâm VCPMC phía Nam và phía Bắc sẽ thấy có một sự chênh lệch lớn. Nếu như VCPMC phía Nam có tổng thu là hơn 52 tỷ đồng (tăng 17% so với 2015) thì ở phía Bắc chỉ khoảng 20 tỷ đồng (trong khi năm 2015 là 24 tỷ đồng) khiến tỷ lệ tăng trưởng của cả VCPMC chỉ còn 7%. 
Trong năm 2016, hoạt động biểu diễn ca nhạc, dù ít show hơn phía Bắc nhưng thị trường phía Nam cũng đã tăng trưởng 3% (hơn 2,7 tỷ đồng) trong khi ở phía Bắc lại gần như thụt lùi. Thế nhưng, số tiền này lại không cao bằng số tiền thu được từ khách sạn, resort, cao ốc văn phòng (3,5 tỷ đồng).
Chính vì thế, kế hoạch trong năm 2017 của VCPMC phía Nam là: “Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương để đảm bảo việc thực thi quyền tác giả trên địa bàn được đồng bộ và triệt để hơn… Bắt đầu từ quý 1-2017, Trung tâm sẽ tiến hành phối hợp với Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Nam, các phòng văn hóa và thông tin tiến hành thu tác quyền trên địa bàn thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn. Trong năm 2017, trung tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác triển khai thu tác quyền tại thành phố Đà Nẵng…”.
VCPMC phía Nam đẩy mạnh thu tác quyền ở các tỉnh, là vì trong năm 2016 đã thu được 4.271.900.494  đồng, tăng 18% so với năm 2015. Đáng kể là thu tại Bình Dương (325 đơn vị) được 1.691.885.556 đồng, Lâm Đồng (251 đơn vị) được 729.792.745 đồng, Phan Thiết (70 đơn vị) được 413.034.205 đồng… Thế nhưng tại Đà Nẵng, trung tâm chỉ thu được 46 đơn vị với số tiền 318.223.818 đồng. Có lẽ theo suy nghĩ của một số vị thì thật phi lý khi Đà Nẵng là thủ phủ của miền Trung nhưng số tiền thu được lại quá ít so với một số tỉnh thành khác, nên VCPMC phía Nam do ông Đinh Trung Cẩn làm giám đốc, đã gửi thư đòi thu tiền luôn cái tivi trong khách sạn ở Đà Nẵng để “bằng chị bằng em”?
Chúng tôi đã hỏi một số quản lý khách sạn cao cấp trên địa bàn quận 1, TPHCM về việc thu tác quyền âm nhạc qua tivi có hợp lý không thì nhiều người cho rằng, về luật thì đúng nhưng chưa hợp lý. Bởi khách sạn cao cấp nên khách ít khi xem tivi, thậm chí quản lý khách sạn phải nhắc đội ngũ dọn phòng nhớ tắt và mở tivi vì để lâu không dùng sẽ bị hư. Trong khi khách ở các khách sạn hạng sang đa phần là người nước ngoài nên họ không có nhu cầu mở tivi để nghe nhạc… Việt. 
Thực tế nhiều năm qua, nguồn thu tác quyền tăng trưởng ổn định theo số liệu của VCPMC phía Nam không phải từ lĩnh vực biểu diễn. Theo thống kê của VCPMC, doanh thu chủ yếu của trung tâm năm 2014 chính là từ karaoke. Nếu con số của năm 2012 là gần 3 tỷ đồng, 2013 khoảng 3,2 tỷ đồng thì 2014 này là gần 3,7 tỷ đồng, chiếm 15%. Trong tổng kết năm 2014, nếu karaoke chiếm 15% thì hạng mục “cấp phép khác” (khách sạn, nhà hàng, siêu thị, phòng trà, vũ trường, quảng cáo, khu vui chơi…) đã chiếm đến 57%, khoảng gần 14 tỷ đồng, hơn hẳn năm 2012 (8,8 tỷ đồng) và 2013 (12 tỷ đồng). 
Riêng trong năm 2016, VCPMC phía Nam thu từ phòng karaoke, phòng thu âm được  8.742.133.804 đồng, tăng 16% so với 2015; khách sạn, resort, cao ốc văn phòng được 3.524.619.820 đồng, tăng 15%; siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thu được 3.148.263.540 đồng, tăng 20%; nhà hàng, bar thu 6.053.134.143 đồng, tăng 9%... Trong khi đó, thu từ biểu diễn chỉ có 2.715.683.983 đồng, tăng trưởng 3%; băng đĩa, sách nhạc thu được 422.702.921 đồng, tăng trưởng âm 26%. Dẫn ra những con số như thế để thấy, lãnh đạo VCPMC phía Nam nói riêng và cả nước nói chung có lẽ cho rằng muốn tăng trưởng doanh thu đều đặn và thu thật nhiều tiền thì không thể dựa vào băng đĩa, sách nhạc hay biểu diễn mà phải vào tận khách sạn thu luôn cái… tivi!
Trong năm 2016, tổng số hợp đồng của tất cả các lĩnh vực sử dụng âm nhạc mà VCPMC phía Nam đã ký là 3.328 hợp đồng, tương ứng với tổng số tiền đã thu được (chưa bao gồm VAT) là 52.130.568.066 đồng, vượt 12,8% so với chỉ tiêu và tăng 17% so với năm 2015.
Thu gần 60 tỷ đồng, chi trả tác giả 35 tỷ đồng!
Thế nhưng, trong năm 2016, số tiền mà VCPMC phía Nam tiến hành chi trả cho tác giả, bao gồm cả nhạc Việt Nam và quốc tế là 34.879.550.315 đồng, (tăng 17% so với năm 2015). Lý do số tiền thu (gần 60 tỷ đồng) và số tiền chi cho tác giả (gần 35 tỷ đồng) chênh nhau nhiều như vậy, theo VCPMC phía Nam: “Số tiền còn lại chưa đủ điều kiện phân phối như: hợp đồng chưa hết hạn còn chờ đơn vị bổ sung danh mục, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng đơn vị chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đầy đủ, hợp đồng đã thu đủ tiền nhưng đơn vị chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng, tác giả tiền ít chờ nhiều nhận một lần, tác giả đang tranh chấp quyền thừa kế… sẽ tiếp tục được trung tâm rà soát và phân phối vào các quý tiếp theo của năm 2017”.
Tính đến hết năm 2016, tổng số thành viên đã ủy quyền tại VCPMC phía Nam là 2.326 tác giả trên tổng số thành viên VCPMC cả nước là 3.550 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm cả trong nước và hải ngoại. Số thành viên khá đông, nhưng những tác giả/nhạc sĩ/chủ sở hữu quyền tác giả nhận được bao nhiêu tiền tác quyền hàng năm từ VCPMC? Trong năm 2016, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng đầu trong tốp 5 nhạc sĩ nhận được nhiều tiền nhất từ VCPMC phía Nam với số tiền được trả là 682.115.496 đồng.
Vậy còn hơn 3.500 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả khác nhận được bao nhiêu từ tiền thu tác quyền của VCPMC? Một nữ tác giả xin giấu tên cho biết: “Trong năm 2016, tôi nhận được hơn 4 triệu đồng từ VCPMC. Tôi ủy quyền cho VCPMC vì xem như “của đổ hốt lại” chứ không trông mong gì hơn. Bên VCPMC đưa bao nhiêu thì tôi nhận bấy nhiêu chứ làm sao tôi biết được tác phẩm của mình được sử dụng ở đâu và vào lúc nào”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho biết: “Cho dù năm 2016 tỷ lệ tăng trưởng cao hơn năm ngoái nhưng không như mong muốn của trung tâm. Với tổng thu khoảng 3,5 triệu USD chúng ta còn khoảng cách khá xa với nhiều nước. Hiện Malaysia đang có tổng thu tác quyền hàng năm tầm 25 triệu USD và chúng tôi phấn đấu sẽ đạt được điều này vào 10 năm tới”.
Có lẽ, để đạt được doanh thu tác quyền bằng Malaysia trong 10 năm tới nên VCPMC cần phải tận thu nhiều hơn nữa? 
LOẠN THU
Ngày 1-7 tới đây, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ thu phí quyền liên quan đối với các cơ sở kinh doanh karaoke với mức 2.000 đồng/bài. Trước đó, RIAV ủy quyền cho Hanet (một đơn vị sản xuất thiết bị hát karaoke) trong thời hạn 5 năm (đến 2021) được toàn quyền làm việc với các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng sản phẩm của RIAV mà không xin phép.
Về việc này, ông Nguyễn Xuân Hàn (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận - Maseco, đơn vị sản xuất đầu karaoke Arirang) cho biết: “Maseco là chủ thể trực tiếp sản xuất các bản ghi midi karaoke đang sử dụng cho các đầu máy karaoke hiệu Arirang. Tại thời điểm này, chúng tôi sở hữu trên 12.000 bản ghi midi karaoke sử dụng cho các đầu máy Arirang, và chúng tôi chưa thu phí các bản ghi này dưới bất kỳ hình thức nào”.
Ông Nguyễn Xuân Hàn nói thêm: “Chúng tôi không là hội viên của RIAV và cũng không ủy quyền cho RIAV hay bất cứ đơn vị nào khác được quyền thu phí các bản ghi karaoke thuộc sở hữu của Maseco”.
Về việc RIAV thu phí quyền liên quan đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, ông Nguyễn Xuân Hàn nói: “Muốn thu thì RIAV phải chứng minh các bản ghi midi karaoke là tài sản của họ hoặc được ủy quyền. Thêm nữa, phải chứng minh là tài sản đó được người khác sử dụng. Một bài hát có rất nhiều bản ghi âm khác nhau của nhiều chủ sở hữu, giờ ai cũng nói mình chủ sở hữu đi thu thì… loạn. Thử hỏi một cơ sở kinh doanh karaoke mà có đến mấy chục đoàn người đến đòi thu tiền sẽ như thế nào?”.
T.K. (ghi)

Tin cùng chuyên mục