Xuất thân là một chiến sĩ, tham gia hoạt động cách mạng từ tuổi mười chín, đôi mươi, đến năm 1978, ông về hưu, quân hàm thiếu tá. Rồi từ đó, ông hăng say theo “con đường” dân vận, đi hết những đoạn đường đất đá, bùn lầy ở vùng ngoại thành Hóc Môn, đến những con đường lát xi măng khang trang, sạch sẽ để làm công tác vận động quần chúng...
Người chúng tôi muốn nói đến là ông Trương Thành Hỷ, 91 tuổi, đảng viên, Tổ trưởng tổ 7, ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, người được bà con vùng này gọi tên thân mật là ông Hai Hỷ. Tháng 8-2015, ông được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trao bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên trực tiếp làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở.
Ngày còn khỏe, ông Hai Hỷ thường đi chiếc xe đạp cộc cạch đến từng nhà để hỏi thăm xóm giềng. Biết được hoàn cảnh nào khó khăn, ông Hai Hỷ vận động người dân quyên góp. Bà con cho gạo thì ông nhận gạo, có đường thì ông nhận đường, ông Hai Hỷ chỉ mong tích góp được gì thì hay đó để giúp đỡ hàng xóm vượt qua hoàn cảnh. Nay ông Hai Hỷ đã ngoài 90 tuổi, không còn sức để đạp xe nữa, ông chuyển sang đi bộ đến từng nhà.
Ông Hai Hỷ (bên phải) đang thăm hỏi gia đình xóm giềng
Thoáng thấy ông Hai Hỷ đến thăm, anh Nguyễn Văn Rẻ (ngụ 3/7B, ấp Nam Thới) mừng rỡ bày bàn ghế mời ông Hai ngồi, rồi cung kính rót ly trà mời ông Hai Hỷ. Anh Rẻ tâm sự: “Bác Hai Hỷ là một cựu chiến binh đạo đức, tài năng vẹn toàn. Ở tuổi cổ lai hy rồi, đáng ra đã về hưu hưởng thọ cùng con cháu, vậy mà cụ vẫn hăng hái, nhiệt huyết với công tác dân vận. Một tấm gương rất đáng cho tôi ngưỡng mộ và học hỏi”.
Ngày trước, phía sau chợ Hóc Môn có một dòng kênh nhỏ, do tốc độ phát triển đô thị và việc người dân chưa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, khu vực này trở nên ô nhiễm. Dòng kênh bị tắt nghẽn, lục bình, rác rưới gây ứ đọng nước, hình thành ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm đến sức khỏe bà con. “Cũng nhờ có cụ Hai Hỷ. Ông đi vận động tiền để mua thuốc về phun, vận động sức người nạo vét nên bây giờ dòng kênh đó mới được sạch sẽ, thông thoáng. Dịch bệnh sốt xuất huyết cũng không còn hoành hành ở khu này nữa”, anh Rẻ tươi cười kể lại chuyện làm dân vận của ông Hai Hỷ.
Còn với anh Nguyễn Hữu Ân, ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, thì cái tình cái nghĩa mà ông Hai Hỷ mang đến, cả đời này anh mãi không thể nào quên. Cách đây 5 - 6 năm, gia đình anh Ân rơi vào tình cảnh vô cùng gian truân. Cái khổ, cái khó đã khiến anh Ân muốn buông xuôi mọi thứ. Cũng nhờ sự vận động giúp sức từ phía ông Hai Hỷ, gia cảnh anh Ân dần được tháo gỡ và ổn định. Đến nay, các con anh Ân, người thì đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm hẳn hoi; đứa nhỏ thì vừa biết kết quả đậu đại học, sẽ nhập học vào tháng 10 năm nay. Chia sẻ niềm vui này, anh Ân nghẹn ngào nói: “Ông cụ giúp đỡ gia đình tôi quá nhiều. Cái ơn này cả đời gia đình tôi mãi mang theo. Tôi cảm động, kính quý ông không chỉ là một người lớn tuổi mà còn như một người cha, một người thầy bảo ban, che chở gia đình tôi”.
Dù đã 91 tuổi đời, nhưng với ông, đó không phải là điều có thể ngăn ông đóng góp thêm cho cuộc sống. “Nghĩ lại những việc đã làm, tôi thấy mình cũng chưa góp sức gì được nhiều cho xã hội”, ông Hai Hỷ, người cựu chiến binh tóc bạc phơ nở nụ cười khi nói về những việc làm của mình.
KHIẾT NHUNG